Thông tin trên được Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay tại buổi Họp báo quý I/2023 của Bộ Xây dựng chiều 24/4.
Theo đó, căn cứ quyết định thanh tra năm 2023 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh BĐS, thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn 7 tỉnh, TP: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.
Đến thời điểm này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã hoàn thành và ban hành Kết luận thanh tra đối với 5 địa phương, trong đó có nhiều sai phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư (2%).
“Qua tranh tra đối với 19 chủ đầu tư, nhà đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư. Thanh tra Bộ đã hướng dẫn, chỉ ra nhiều vi phạm, tồn tại; đề nghị UBND các cấp tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư. Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 12/19 chủ đầu tư số tiền 13,3 tỷ đồng (trung bình 1,1 tỷ đồng/ chủ đầu tư)” – ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng, sau khi tiến hành lập biên bản xử phạt đối với những sai phạm, Thanh tra Bộ cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện một số công việc: Khi đủ điều kiện theo quy định thì phải tổ chức hoặc đề nghị UBND cấp xã tổ chứchội nghị nhà chung cư lần đầu; Thống nhất với Ban quản trị về phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở để bàn giao quỹ bảo trì chung cư; Bàn giao đầy đủ hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị...
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng buộc 10/12 chủ đầu tư phải mở và gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì số tiền 254,1 tỷ đồng (trung bình 25,4 tỷ đồng/chủ đầu tư);
Buộc 6 chủ đầu tư quyết toán và bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị số tiền 513,8 tỷ đồng, trung bình đã chuyển 85,6 tỷ đồng/ ban quản trị (bao gồm cả % phần diện tích chủ đầu tư giữ lại). Đồng thời kiến nghị kiểm điểm đối với 19 tập thể 14 cá nhân để xảy ra vi phạm, tồn tại.
Thời gian qua đã xảy không ít vụ việc tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư, trong đó có tranh chấp liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, khiếu nại liên quan đến kinh phí bảo trì chiếm khoảng 36%, đứng thứ hai trong tổng số vụ tranh chấp tại các chung cư.
Nổi lên là tranh chấp xảy ra giữa cư dân - chủ đầu tư và giữa cư dân - ban quản trị do quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chưa đúng quy định. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp thời gian qua một phần do pháp luật chưa quy định rõ ràng về cách tính diện tích chung - riêng; chế tài xử phạt hành vi vi phạm chưa phù hợp... Ngoài ra, vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương còn mờ nhạt...