Cụ thể là tình trạng phân lô, bán nền ở các khu vực nguyên là đất nông nghiệp tạo nên các khu dân cư “lụp xụp” mới thiếu điện, nước, không đảm bảo vệ sinh môi trường, không trường học, thiếu không gian công cộng… Kéo theo đó là những hậu quả lâu dài cho cả các đời sau mà việc nhiều hộ dân đến giờ vẫn còn “ngắc ngoải” với các tàn tích của đợt phân lô hộ lẻ tự phát cách đây 18 năm là một minh chứng.
Thế là Quyết định 33/2014 của UBND TP quy định về việc tách thửa được tính toán thay đổi nhằm mong dập tắt những hành động có thể gây hại cho cộng đồng nêu trên.
Có ý kiến cho rằng Quyết định 33/2014 vì không quy định về diện tích khu đất được tách thửa nên đã bị lợi dụng. Ý kiến khác thì đổ lỗi cho các cán bộ quận, huyện đã không hiểu đúng hoặc cố tình thực hiện không đúng quyết định này. Đơn cử, Sở TN&MT từng có công văn lưu ý Quyết định 33/2014 chỉ giải quyết các hồ sơ tách thửa để ở nhưng một số cán bộ đã cho tách thửa để chuyển nhượng, kinh doanh (dù Quyết định 33 không có chữ nào khẳng định chỉ được tách thửa để ở và theo lý thì chính quyền không có quyền cấm cản các chủ đất bán một phần đất hợp pháp của mình để giải quyết nhu cầu cuộc sống!).
Với ý muốn thay thế Quyết định 33/2014, dự thảo lần 1 của Sở TN&MT đưa ra yêu cầu đất ở từ 2.000 m2 trở lên phải lập dự án. Gần đây, dự thảo lần 2 đã bỏ yêu cầu này và thay bằng giới hạn diện tích tách thửa đất ở là dưới 2.000 m2.
Dẫu con số 2.000 không phải bây giờ mới được đưa ra nhưng vì sao là con số này thì Sở TN&MT đã không thể lý giải thuyết phục. Trước đây, với các quyết định 19/2009 và 54/2012, UBND TP đã yêu cầu thửa đất trên 1.000 m2 phải lập phương án hạ tầng kỹ thuật, thửa đất trên 2.000 m2 phải lập dự án. Tuy nhiên, cho rằng các điều kiện này không có trong luật nên Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp đã “bắt giò”. Vì lẽ này, TP đã phải ban hành Quyết định 33/2014 loại bỏ.
Vậy nên lần nữa phải hỏi Sở TN&MT đã tựa trên cơ sở nào để khôi phục một yêu cầu từng bị đào thải vì nằm ngoài luật và không thuộc thẩm quyền quy định của UBND cấp tỉnh với không kiểu này (trên 2.000 m2 phải lập dự án) thì là kiểu khác (dưới 2.000 m2 mới được tách thửa)?
Chưa kể, một số quy định dự kiến khác của Sở TN&MT cũng chông chênh về pháp lý nên rất cần xem xét thêm. Nào là tiếp tục phân biệt đất có nhà và chưa có nhà ứng theo đó là diện tích tách thửa lớn, nhỏ khác nhau nên đã để xảy ra nhiều trường hợp xây nhà tạm để được lợi hơn. Nào là không cho tách thửa đối với đất ở thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới trong khi về bản chất thì đây là đất ở…
Sẽ là nghịch lý khi luôn muốn người dân tuân thủ răm rắp các quy định của pháp luật nhưng chính quyền thì lại tự cho phép mình để cảm tính dẫn dắt. Sắp tới, có thể UBND TP sẽ chỉ đạo Sở TN&MT báo cáo kiến nghị Bộ TN&MT ban hành quy định về điều kiện diện tích tách thửa và nhiều nội dung cần thiết để TP có cơ sở thực hiện như tham mưu của Sở Tư pháp (Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin ngày 19-8). Hoặc có thể UBND TP sẽ chọn phương thức quản lý phù hợp khác, trong đó có việc siết chặt năng lực thực thi công vụ đúng đắn của cán bộ cơ sở để không có hành vi vi phạm pháp luật đất đai nào bị lọt lưới.
Đáng lưu ý, hai yếu tố then chốt trong việc tách thửa là quy hoạch và làm hạ tầng cần có những quy định cụ thể, phù hợp để người dân lẫn chính quyền đều dễ thực hiện. Chẳng hạn, đường giao thông, vỉa hè, hệ thống cấp điện, nước, chiếu sáng công cộng, thoát nước thải… phải được thực hiện thế nào, phần nào người dân bỏ tiền ra làm, phần nào Nhà nước phải đầu tư để tạo điều kiện cho việc kết nối hạ tầng hoàn chỉnh, giúp dân có nơi ở tươm tất chứ không thể khoán trắng cho dân.
Tất nhiên, cách thức nào được chọn cũng phải theo hướng tạo thuận lợi cho người sử dụng đất để họ thực hiện tốt quyền lợi lẫn nghĩa vụ của mình.