Trong văn bản số 60 gửi Chính phủ mới đây kiến nghị về các vấn đề liên quan đến chính sách nhà ở xã hội, HoREA còn nêu 2 vấn đề.
Về thời hạn cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội và định kỳ hạn trả nợ:
Theo quy định tại khoản 6 điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ và tại khoản 4 điều 7 Thông tư 25/2015/TT-NHNN ngày 09/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước đối với khách hàng vay tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội thì đều đã quy định: "Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên".
Ngày 27/07/2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành hướng dẫn số 2526/NHCS-TDSV, tại mục 6 đã quy định "Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên"; và tại mục (11.b) đã quy định: "Người vay vốn chưa phải trả nợ gốc trong thời gian ân hạn 12 tháng kể từ ngày nhận khoản vay đầu tiên".
Theo HoREA, "các quy định này rất tốt, rất có lợi cho đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, nhưng có thể đã vượt quá thẩm quyền của Ngân hàng Chính sách xã hội, và chưa được chặt chẽ.
Bởi lẽ, theo tổ chức này: (i) Thời hạn cho vay có liên quan đến cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng được chỉ định; (ii) Đối tượng nào được vay 15 năm, đối tượng nào được vay 20 năm, đối tượng nào được vay 25 năm... có thể dẫn tới cơ chế "xin - cho", vận dụng tùy tiện; (iii) Việc quy định ân hạn chưa phải trả nợ gốc thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị việc quy định thời hạn cho vay trong từng thời kỳ, và quy định ân hạn chưa phải trả nợ gốc cần được Ngân hàng Nhà nước quy định để thực hiện thống nhất tại Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định.
Về đặt cọc tiền thuê nhà ở xã hội:
Theo quy định tại khoản 6 điều 21 Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì "Người thuê nhà ở xã hội có trách nhiệm nộp trước cho bên cho thuê nhà một khoản tiền đặt cọc theo thỏa thuận của hai bên, nhưng tối đa không vượt quá 12 tháng, tối thiểu không thấp hơn 03 tháng tiền thuê nhà ở để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của người thuê nhà". Khoản tiền đặt cọc này quá nặng, cao gấp nhiều lần trong thực tế. Hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ quy định khoản tiền đặt cọc này chỉ bằng 01 đến 03 tháng tiền thuê nhà như thông lệ ngoài xã hội để giảm bớt gánh nặng cho người thuê nhà ở xã hội.