Bất bình đẳng trong tiếp cận nhà ở
Thị trường BĐS trải qua năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 được ghi nhận có sự phục hồi tích cực, cả về nguồn cung và tỷ lệ giao dịch, tăng gấp khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm trước, nhưng thực tế mới chỉ bằng chưa đầy 10% so với năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19). Đáng chú ý, trong số 65.400 sản phẩm mới được mở bán thì có đến 80% thuộc phân khúc nhà ở cao cấp và hạng sang; nhà ở bình dân, vừa túi tiền chỉ vỏn vẹn chưa đầy 20%.
Với việc thiếu nguồn cung mới, dẫn đến hệ quả là trong khoảng 5 năm trở lại đây, giá nhà ở liên tục tăng cao, bình quân năm sau cao hơn năm trước từ 15 – 20%. Mặt bằng căn hộ chung cư tại Hà Nội tính đến hết quý I/2025 đã chạm ngưỡng bình quân 70 triệu đồng/m2, còn ở TP Hồ Chí Minh là 76 triệu đồng/m2. Theo một số thống kê xã hội học từ Tổng Cục thống kê (phân loại thu nhập của người dân thành 5 nhóm: nhóm nghèo, cận nghèo, thu nhập trung bình, thu nhập khá và thu nhập cao - ổn định), thì nhóm nghèo, cận nghèo chỉ có mức thu nhập bình quân 1,45 triệu đồng/người/tháng; nhóm thu nhập trung bình ở thành thị là 6,26 triệu đồng/người/tháng, ở nông thôn 4,17 triệu đồng/người/tháng. Trong khi nhóm thu nhập cao - ổn định, bình quân 11 triệu đồng/người/tháng trở lên chỉ chiếm khoảng 20% dân số.
Nhà đầu tư tham khảo một dự án bất động sản trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Xây dựng, chỉ tính riêng từ giai đoạn năm 2016 – 2022, cả nước dư thừa trên 70 triệu m2 sàn nhà ở cao cấp, hầu hết đều thuộc quyền sở hữu của những người có tiềm lực kinh tế, đã sở hữu nhà ở, họ mua để phục vụ mục đích kinh doanh hoặc đầu cơ kiếm lời. Trong khi, nhóm người thu nhập thấp, đặc biệt là ở các đô thị đang chiếm tới 70% cơ cấu dân số lại đang phải chật vật với việc lo kế sinh nhai và để sở hữu một căn nhà thì vẫn chỉ là “giấc mơ”. “Việc giá nhà đất liên tục tăng giá cao, tăng giá nhanh thời gian gần đây, không ngoại trừ xuất phát động cơ đầu cơ, thổi giá của một số nhóm người, nhà ở tăng giá nhưng lại không được đưa vào sử dụng, mà chỉ là bán đi bán lại qua tay người đầu tư. Sự mất cân đối cung – cầu và lệch pha về cơ cấu sản phẩm là thể hiện việc đi ngược với quy luật của kinh tế thị trường, bởi cung – cầu phải có sự tương thích với nhau và sản phẩm phải gắn với nhu cầu thực tế của thị trường. Chính điều đó đã làm cho thị trường BĐS bị méo mó, thiếu minh bạch và bất bình đẳng trong tiếp cận nhà ở” – GS.TSKH Đặng Hùng Võ phân tích.
Người thu nhập thấp thêm cơ hội sở hữu nhà
Trên thực tế, phát triển nhà ở vừa túi tiền không phải là vấn đề mới ở Việt Nam, khi cách đây khoảng 10 năm rất nhiều dự án nhà ở thương mại giá rẻ (từ 10 – 15 triệu đồng/m2, tương đương từ 700 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng/căn hộ) được đầu tư xây dựng, đã giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho hàng triệu người dân. Cũng trong khoảng thời gian này, Nhà nước còn bố trí gói tài chính 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay ưu đãi dành cho một số đối tượng khó khăn và DN xây dựng nhà ở xã hội; đồng thời DN cũng được phép chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với mức giá bán theo quy định của Nhà nước. “Vấn đề bất cập nhất hiện nay đó là trong khi giá nhà liên tục tăng, nhưng thu nhập của nhóm người thu nhập thấp lại chỉ được cải thiện rất chậm, không bắt kịp với đà tăng giá nhà đất. Vì vậy phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền là giải pháp vừa mang tính nhân văn, bền vững, vừa góp phần cân bằng sự chênh lệch của thị trường BĐS, và dần xóa bỏ ranh giới bất bình đẳng trong tiếp cận nhà ở” – GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho biết thêm.
Theo đánh giá, việc thị trường BĐS khan hiếm nguồn cung, mất cân đối cung – cầu thời gian gần đây, một trong những nguyên nhân chính là do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Trong đó, những quy định về đất đai được xem là “nút thắt” lớn nhất, liên quan đến câu chuyện thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở của DN đầu tư, kinh doanh BĐS, khiến cho khoảng 1.200 dự án BĐS trên địa bàn cả nước rơi vào “bế tắc”. Mà ngay cả khi Luật Đất đai 2024 được sửa đổi, bổ sung cũng chưa giải quyết triệt để được vấn đề này.
Trước những tồn đọng suốt hàng chục năm qua, vào ngày 1/4 mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Điểm nhấn là các tổ chức kinh doanh BĐS đã có quyền sử dụng đất, hoặc sau khi hoàn thành việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, sẽ được phép tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết như chấp thuận chủ trương, chọn lựa nhà đầu tư; những dự án đã được cấp phép trước khi Nghị quyết số 171/2024/QH15 có hiệu lực mà Nhà nước cho phép thí điểm, thì không cần phải làm lại thủ tục đầu tư, chỉ cần tiếp tục thực hiện thủ tục về đất đai để nhanh chóng triển khai dự án.
Mặc dù đến thời điểm này chưa có một khái niệm chính thức về nhà ở bình dân, vừa túi tiền, nhưng theo quy ước của các nước phát triển thì nhà ở bình dân là sản phẩm mà các hộ gia đình sẽ chỉ cần dành ra khoảng 30% tổng thu nhập để sở hữu; còn theo quy ước của một số tổ chức xã hội nghề nghiệp tại Việt Nam, thì nhà ở vừa túi tiền là sản phẩm có giá dưới 25 triệu đồng/m2. Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu |
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, thời gian qua việc sử dụng đất cho các dự án BĐS chưa có sự công bằng, nghiêm minh, chặt chẽ dẫn đến câu chuyện phải sửa đổi Luật Đất đai. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển các dự án BĐS đặc biệt là ở đô thị lớn vẫn còn nhiều vướng mắc, trong đó có quy định về sử dụng đất, nên Chính phủ đã đề xuất và được Quốc hội chấp thuận thông qua quy định sử dụng các loại đất không phải là đất ở cho dự án BĐS thương mại. Đây là giải pháp quan trọng để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy dự án nhà ở thương mại, giúp giá tăng nguồn cung nhà ở trong bối cảnh thị trường đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng như hiện nay. Quan trọng hơn, cơ chế này còn giúp người dân thu nhập thấp – trung bình ở đô thị có thêm cơ hội sở hữu nhà ở, đồng thời là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giảm lãng phí tài nguyên và nguồn lực của DN, xã hội” – TS Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.
TS Trần Xuân Lượng – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và đánh giá thị trường BĐS Việt Nam cũng cho rằng, việc thay đổi cơ chế, chính sách dành cho nhà ở thương mại nói chung, trong đó có nhà ở thương mại vừa túi tiền là thể hiện tính ưu việt của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm an sinh, xã hội và củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Để nâng cao hiệu quả của cơ chế, chính sách, bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở cho người dân, đặc biệt là đại bộ phận người dân thu nhập thấp, thu nhập trung bình, thì cần sớm đưa những quy định mới này vào thi hành thực tế. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần quan tâm hơn đến việc bố trí các nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền, trong đó nghiên cứu quy định về mức sàn lãi suất được thực hiện cố định trong dài hạn” – TS Trần Xuân Lượng nêu quan điểm.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội, bên cạnh việc để hoàn thiện các phương thức tiếp cận đất đai, làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở thương mại, góp phần kéo giảm giá nhà; thì còn có một mục tiêu rất quan trọng là thúc đẩy việc tái cấu trúc thị trường BĐS, trọng tâm là tái cấu trúc thị trường nhà ở thương mại để phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, nhất là tại một số đô thị lớn đang rất thiếu nhà ở giá vừa tiền để phục vụ đa số người dân thu nhập thấp - trung bình. Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu |