Ông Lê Hoàng Châu. |
PV: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về cơn sốt đất hiện nay trên địa bàn thành phố nói riêng và các khu vực trọng điểm khác nói chung?
Ông Lê Hoàng Châu: Trong thời gian qua, đã xuất hiện các cơn sốt ảo giá đất, giá đất nền tại các xã ven dự án Sân bay Long Thành (Đồng Nai); các địa phương dự kiến trở thành đặc khu kinh tế như Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang); hoặc tại một số quận ven, huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh. Đây chỉ là những đợt sốt giá cục bộ trong phân khúc thị trường đất nền, đất nông nghiệp, thậm chí có những trường hợp mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật, mà phần lớn là mua bán, chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư thứ cấp, kinh doanh lướt sóng kiếm lời. Đến thời điểm hiện nay tình hình sốt ảo giá đất, giá đất nền hiện nay tại các địa phương đã bước đầu được kiểm soát, hạ nhiệt. Nhìn lại cơn sốt vừa qua, có một số nơi sốt đất một cách kinh hoàng do tác động của một số điều kiện, chẳng hạn như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là do có thông tin các khu vực này sẽ lên đặc khu.
Cơn sốt đất vừa qua đã khiến cho nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo bong bóng bất động sản đang hình thành, ông có đồng tình với cách nhận định này?
Các nhận định về việc hình thành bong bóng BĐS không thể nói một cách cảm tính mà phải dựa trên những con số rất cụ thể và có cơ sở khoa học. Để hình thành nên bong bóng BĐS như những năm 2007 -2008 cần rất nhiều yếu tố cộng hưởng. Tôi thấy hiện nay chưa hội đủ các điều kiện tái diễn kịch bản bong bóng BĐS như những năm 2007 -2008. Những năm 2007 – 2008 tăng trưởng kinh tế đạt 8,48% là mức cao nhất trong 10 năm kể từ năm 1997, dẫn đến thực tế là nhiều doanh nghiệp và người dân dễ kiếm tiền và bất động sản là kênh đầu tư là tài sản được lựa chọn để cất trữ, để kinh doanh, kể cả đầu cơ; chính sách nới lỏng tín dụng, thậm chí đã cho vay dưới chuẩn, thể hiện tăng trưởng tín dụng năm 2007 rất cao lên đến hơn 37%, trong đó, một phần rất lớn đổ vào bất động sản; Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế; công cụ về tín dụng; công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Mọi chỉ số đều chống lại bong bóng bất động sản. |
Hiện nay, tăng trưởng tín dụng của cả nước năm 2017 đạt 18,17% (chỉ gần bằng phân nửa mức tăng trưởng tín dụng nóng 37% của năm 2007); dự kiến năm 2018 tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 17%. Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, chặt chẽ và linh hoạt; kiểm soát chặt chẽ nguồn tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán; thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực bất động sản… Từ các cơ sở trên, tôi cho rằng điều kiện kinh tế hiện nay không phải là cơ sở thuận lợi để có thể hình thành bong bóng BĐS như lo ngại.
Ngân hàng nhà nước đang siết chặt tín dụng đổ vào BĐS thế nhưng cơn sốt vừa qua có quy mô lớn, theo ông nguồn vốn từ đâu ra?
Vấn đề đáng quan ngại là tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong năm 2017 tăng gần 15% so với năm 2016 và chiếm 18% trong tổng tín dụng, trong đó, có 52,9% tổng tín dụng tiêu dùng cho vay với mục đích mua nhà, xây nhà, sửa chữa nhà ở (tăng 3,4% so với năm 2016, khoảng 21 tỉ USD), mà một phần không nhỏ có thể đã chuyển qua kinh doanh bất động sản, cần phải được kiểm soát chặt chẽ trong năm 2018.
PV: Xin cảm ơn ông !
Hoàng Quân (thực hiện)