Trước đó, tập đoàn lớn về bất động sản này đã có tờ trình gửi đến Ngân hàng Nhà nước xin tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank, với những kế hoạch dự kiến cơ bản.
Cụ thể, thông tin đề cập trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 31/3 vừa qua cho biết, Novaland Group đề xuất mua 20% cổ phần của Sacombank, cũng như trù tính cả kế hoạch nhân sự tại ngân hàng này sau khi được xét duyệt và tham gia chính thức, và một số đề xuất khác.
Tính đến 1/12/2016, tổng số vốn điều lệ của tập đoàn Novaland là 5.962 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2016, tổng tài sản tập đoàn này đạt 32.480 tỷ đồng; mức doanh thu thuần là 7.176 tỷ đồng, vượt 6,55% so với kế hoạch doanh thu cả năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 1.561 tỷ đồng, tương ứng 94,61% so với kế hoạch cả năm 2016.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) |
Với thông tin xin rút nói trên, trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới của Sacombank (dự kiến tổ chức vào 28/4), hiện chưa có thông tin chính thức về tổ chức hoặc nhà đầu tư lớn và mới nào sẽ thực sự hoặc được xét duyệt tham gia vào đề án tái cơ cấu ngân hàng này.
Kế hoạch đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng từ một nhóm nhà đầu tư khác vào Sacombank, được một số thông tin đề cập gần đây, cũng không được Ngân hàng Nhà nước xác nhận, cho đến thời điểm này. Bởi theo lý giải của đại diện cơ quan này, kế hoạch đầu tư hay giao dịch của nhà đầu lớn hay nhỏ hiện đều phải tuân thủ, cũng như đã được pháp luật quy định trên thị trường, nhất là về các giới hạn tỷ lệ sở hữu.
Trong khi đó, tại thông cáo ngày 24/2/2017, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo Sacombank khẩn trương tổ chức đại hội đồng cổ đông trong tháng 4/2017 để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông, tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu đã được phê duyệt sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).
Cũng sau khi sáp nhập Southern Bank, tình hình tài chính của Sacombank đã thay đổi.