Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận vừa có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới bờ sông Dinh, tại phường Phủ Hà và phường Mỹ Hương, TP Phan Rang - Tháp Chàm.
Một đoạn sông Dinh tỉnh Ninh Thuận
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm xây dựng khu đô thị mới trung tâm ven sông TP Phan Rang - Tháp Chàm; xây dựng khu công viên ven sông theo mô hình công viên trung tâm hiện đại, thuận lợi và hấp dẫn đối với các hoạt động giao lưu công cộng, tương xứng với vị thế công viên mặt tiền ven sông Dinh. Dự án cũng nhằm đầu tư đấu nối hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực và hình thành nên khu dân cư mới; làm cơ sở chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình theo định hướng phát triển chung, mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất...
Theo Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh này, tiến độ đầu tư dự án khoảng 7 năm kể từ ngày lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án. Trong đó, đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư hoàn thành trong 2,5 năm. Đối với công tác đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện, điện chiếu sáng đô thị, khu công viên - cây xanh - khu vui chơi, quảng trường nước, bãi đỗ xe) thời gian hoàn thành trong 2 năm.
Sở này cũng cho biết, đối với công tác đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc trên đất (đất ở kết hợp với dịch vụ, đất thương mại dịch vụ, đất hỗn hợp cao tầng; chợ, trung tâm thể dục - thể thao, nhà văn hóa, công trình thương mại - dịch vụ, khu vui chơi trẻ em, nhà vệ sinh công cộng, ki ốt dịch vụ) hoàn thành trong 2,5 năm.
Trước đó, ngày 11/10, ông Phan Tấn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới bờ sông Dinh. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, dự án có quy mô 37,79ha và tổng mức đầu tư là 1.713 tỷ đồng nên vốn chủ sở hữu tối thiểu không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư, tương ứng 257 tỷ đồng.
Trường hợp liên danh để thực hiện dự án, UBND tỉnh này yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh. Đồng thời, từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng lưu ý, nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh được đánh giá là không đáp ứng thì nhà đầu tư liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu. Trong đó, nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh.