Mới đây, thông tin bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai - cựu Chủ tịch HĐQT cùng một loạt lãnh đạo Tập đoàn Cao su và một số cán bộ các cơ quan liên quan bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến sai phạm xảy ra tại khu đất công 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP Hồ Chí Minh gây xôn xao dư luận.
Tuy nhiên, trên thực tế, vụ việc này vốn không bất ngờ bởi câu chuyện bà Loan và doanh nghiệp của mình “thâu tóm” đất công giá rẻ đã âm ỉ trong dư luận từ lâu…
Dự án 39-39B Bến Vân Đồn
Dự án 39-39B Bến Vân Đồn (quận 4, TP Hồ Chí Minh) với diện tích 6.202 m2, thuộc sở hữu Nhà nước, đã từng do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa quản lý. Năm 2009, hai công ty này góp vốn lập ra Công ty TNHH Phú Việt Tín để đầu tư, kinh doanh khu đất theo quy hoạch. Đến năm 2017, Phú Việt Tín sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên.
Liên quan đến khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn, trước đó, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã ký văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) giải trình về việc thiếu sót, không công bố thông tin về "những giao dịch bất thường" liên quan đến góp, thoái vốn tại Quốc Cường Gia Lai diễn ra từ năm 2013 - 2017.
Khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn "biến" từ đất công thành tư, nay đã là chung cư cao cấp
Cụ thể, trong văn bản giải trình có nêu rõ trong khoảng thời gian từ ngày 24/1/2013 - 26/8/2017, Quốc Cường Gia Lai có 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng với tổng giá trị các giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý chính là giao dịch quy mô rất lớn như thương vụ Quốc Cường Gia Lai đồng ý chuyển nhượng phần vốn góp của mình trong Công ty TNHH Phú Việt Tín.
Ngày 4/8/2014, HĐQT Quốc Cường Gia Lai ra quyết định cử bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc làm đại diện phần vốn góp lên đến 5,94 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99% vốn của Quốc Cường Gia Lai tại Công ty TNHH Phú Việt Tín.
Đến ngày 3/9/2014, HĐQT Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định chuyển nhượng 30 triệu đồng vốn góp, tương đương với 0,5% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho một cá nhân là bà Lại Thị Hoàng Yến với tổng giá trị chuyển nhượng lên đến 3 tỷ đồng.
Tiếp tục ngày 10/9/2014, HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai ra quyết định nhận chuyển nhượng nốt 0,72% phần vốn góp, tương đương 43,2 triệu đồng từ Công ty TNHH MTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai. Nhận chuyển nhượng 0,28% phần vốn góp, tương đương với 16,8 triệu đồng từ Công ty TNHH MTV cao su Bà Rịa. Như vậy, Quốc Cường Gia Lai đã nhận chuyển nhượng là 1% từ 2 công ty trên, tương đương 60 triệu đồng. Như vậy từ đây, Quốc Cường Gia Lai đã sở hữu 99,5% vốn góp Công ty TNHH Phú Việt Tín.
Nội dung giải trình của bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai gửi HoSE
Chỉ 2 tháng sau, vào ngày 14/11/2014, HĐQT Quốc Cường Gia Lai ra quyết định chuyển nhượng 94% phần vốn góp của minh trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho 2 công ty khác. Trong đó, khoản 76 tỷ đồng phần vốn góp tương đương 40% vốn điều lệ Phú Việt Tín được chuyển nhượng với giá 340.032.467.162 đồng cho Công ty CP Bất động sản Thịnh Vượng. Phần 102,6 tỷ đồng vốn góp tương ứng 54% còn lại được chuyển nhượng cho Công ty CP Biệt thự Thành phố với giá 459.043.830.668 đồng. Như vậy, số tiền mà Quốc Cường Gia Lai thu về sau khi chuyển nhượng thành công 94% phần vốn góp của mình trong Công ty TNHH Phú Việt Tín là gần 800 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, với phi vụ trên Quốc Cường Gia Lai “lãi” hơn 600 tỷ đồng.
Từ đây, dễ dàng nhận thấy, thông qua việc "thôn tính" toàn bộ vốn điều lệ tại Công ty TNHH Phú Việt Tín, Quốc Cường Gia Lai đã nhanh chóng sang bán lại cho các doanh nghiệp, cá nhân khác để kiếm lợi hàng trăm tỷ đồng. Phi vụ làm ăn quá hời liên quan đến đất công và doanh nghiệp Nhà nước này đã để lại nhiều câu hỏi trong dư luận?...
Đến năm 2021, Thanh tra Chính phủ kết luận việc Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm quy định pháp luật. UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi, giao đất và chỉ định Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện dự án mà không qua đấu giá cũng vi phạm quy định pháp luật. Ngày 23/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến dự án này.
Dự án Phước Kiển 91,6 ha
Phước Kiển 91,6 ha là dự án lớn của Quốc Cường Gia Lai, từng gặp nhiều lùm xùm kiện cáo. Năm 2017, Quốc Cường Gia Lai và CTCP Đầu tư Sunny Island ký hợp đồng mua bán liên quan đến dự án này, theo đó Sunny phải chuyển cho Quốc Cường Gia Lai 4.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sunny chỉ giải ngân đến 2.882 tỷ đồng rồi dừng lại.
Phước Kiển là một dự án đáng chú ý nhất của Quốc Cường Gia Lai về độ lớn và quy mô cũng như những lùm xùm kiện cáo trong thời gian dài
Quốc Cường Gia Lai sau đó khởi kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam để giải quyết tranh chấp, với mong muốn trả lại cho Sunny Island toàn bộ 2.882 tỷ đồng, còn phía Sunny Island phải chuyển nhượng lại toàn bộ phần đất đã nhận.
Mặc dù thắng kiện, nhưng tới nay việc thực hiện dự án này khiến Quốc Cường Gia Lai đối diện với nhiều khó khăn. Trong đó có khó khăn từ việc làm lại hồ sơ pháp lý từ đầu theo quy định mới của Luật Đầu tư, điều đó đồng nghĩa với việc thời gian tới sẽ tiếp tục với guồng quay pháp lý.
Đáng chú ý, dự án này còn có 8 – 9 ha đất kênh rạch xen cài bị gọi là đất công. Khó khăn nữa là hiện nay vấn đề giải phóng mặt bằng tại dự án Phước Kiển vẫn chưa hoàn thiện. Theo quy định mới, nếu mặt bằng chưa sạch 100% thì chưa đủ điều kiện để thực hiện dự án.
Dự án Phước Kiển 32,4 ha
Quốc Cường Gia Lai cũng liên quan đến một dự án khác tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, gắn liền với vụ án Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tận Thuận) bán đất công với giá rẻ.
Dự án Phước Kiển hơn 32,4 ha dính lùm xùm trong vụ án công ty nhà nước bán rẻ đất công được đưa vào diện theo dõi
Liên quan tới dự án Phước Kiển, tháng 8/2016, Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư hoặc xin nhận chuyển nhượng 100%.
Tới tháng 6/2017, Quốc Cường Gia Lai đã nhận chuyển nhượng hơn 32ha đất từ Công ty Tận Thuận với giá 1,29 triệu đồng/m2. Cùng với đó, Quốc Cường Gia Lai đã chi trả cho Tân Thuận số tiền 374 tỷ đồng, ngoài ra đóng thuế 23 tỷ đồng.
Cuối năm 2017, Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu tạm dừng việc chuyển nhượng và hợp đồng bị hủy bỏ vào đầu năm 2018. Công ty Tân Thuận đã trả lại số tiền 374 tỷ đồng cùng tiền lãi cho Quốc Cường Gia Lai. Vụ việc này đã gây thiệt hại cho Nhà nước 167,8 tỷ đồng.
Tháng 4/2024, dự án này đã được hội đồng xét cử TAND Cấp cao TP Hồ Chí Minh tuyên án, tuyên trả cho Quốc Cường Gia Lai gần 17 tỷ đồng. Hồi cuối tháng 5 vừa qua, doanh nghiệp cũng đã công bố nhận được quyết định thi hành án của Cục thi hành án dân sự TP về việc hoàn trả số tiền này.
Theo tìm hiểu, Quốc Cường Gia Lai tiền thân là Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường được thành lập năm 1994. Công ty chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, phát triển, kinh doanh bất động sản, thủy điện và trồng cây cao su… Trong nhiều năm qua, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận lợi nhuận hàng năm ở mức thấp, nhiều khi thua lỗ, dòng tiền âm, liên tục lùm xùm kiện cáo...Thậm chí nhiều lần vay hàng trăm tỷ đồng tiền của cá nhân lãnh đạo, như Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Lại Thế Hà… |