Dự án Green Pearl (378 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) là dự án do Công ty CP Phong Phú – Deawon – Thủ Đức làm chủ đầu tư, được thực hiện trên phần đất có diện tích 28.765m2, với tổng mức đầu tư 1.073 tỷ đồng.
Dự án Green Pearl (378 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ đầu tư dự án này được thành lập dựa trên liên danh của 3 pháp nhân là Công ty CP Phong Phú, Công ty TNHH Deawon (Hàn Quốc) và Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Mã CK: TDH).
Dự án, ban đầu được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tổng Công ty Phong Phú, với mục tiêu là dự án “Xây dựng tổ hợp văn phòng thương mại - nhà ở cao tầng” vào năm 2007.
Sau đó, Tổng công ty Phong Phú đã mang lợi thế giá trị khu đất này để đấu thầu, lựa chọn liên danh nhà đầu tư hợp tác thực hiện dự án. Đồng thời, thu về cho Nhà nước 312,9 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã nộp đủ tiền sử dụng đất phải nộp là 549,151 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Hiện tại, liên danh này do bà Lê Thị Ánh Ngọc giữ chức danh Tổng Giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Bà Ánh Ngọc, sinh năm 1973 có địa chỉ thường trú tại phố Vạn Bảo, phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Bà Ngọc Ánh còn được biết đến vai trò là Giám đốc điều hành của Tổng Công ty CP Phong Phú, Thành viên Ban Kiểm soát Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Sau 4 năm chính thức triển khai xây dựng (từ năm 2016), dự án hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, khu nhà ở thấp tầng đã hoàn thiện, 2 tòa tháp chung cư đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, những sai phạm nghiêm trọng tại kết luận của Thanh tra Chính phủ đã khiến không ít khách hàng đang ngồi trên chảo lửa, chủ đầu tư cũng gặp khó.
Được biết, Công ty CP phát triển nhà Phong Phú-Daewon-Thủ Đức có mã doanh nghiệp là 0103598783, và ngày chính thức hoạt động là ngày 8/8/2008. Thế nhưng, thành viên góp vốn chiếm số cổ phần lớn nhất là Tổng CTCP Phong Phú lại được sinh ra vào ngày 20/2/2009 (?).
Như đã nói ở trên, năm 2007, UBND TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Tổng Công ty Phong Phú để thực hiện dự án “Xây dựng tổ hợp văn phòng thương mại- nhà ở cao tầng”. Sau đó đến tháng 7/2008 Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có văn bản chấp thuận chủ trương triển khai.
Vừa "Bắc tiến" Thủ Đức House đã vướng khiếu kiện tại GreenPearl.
Tuy nhiên, tháng 3/2015 UBND TP Hà Nội tiếp tục chứng nhận việc thực hiện điều chỉnh đầu tư dự án. Theo đó, đã đồng ý cho chủ đầu tư thay đổi vốn điều lệ, vốn góp thực hiện dự án từ 312,975 tỷ đồng xuống còn 272,287 tỷ đồng; thay đổi tổng vốn đầu tư dự án từ 1.508 tỷ đồng xuống còn 1.073 tỷ đồng. Ngoài ra còn thay đổi tỷ lệ góp vốn giữa các nhà đầu tư , thay đổi mục tiêu và tiến độ dự án.
Với lần điều chỉnh này, Tổng CTCP Phong Phú góp 125,197 tỷ đồng, tương đương 12.519.778 cổ phần (chiếm 45,98% vốn điều lệ). Trong đó có 93,911 tỷ đồng bằng quyền phát triển dự án tại địa điểm 378 Minh Khai và 31,285 tỷ đồng bằng tiền mặt.
Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức góp 50,073 tỷ đồng, tương đương 5.007.367 cổ phần (18,39% vốn điều lệ) bằng tiền mặt. CTCP Phát triển hạ tầng công nghiệp và sản xuất kinh doanh Dệt May Việt Nam góp 31,285 tỷ đồng, tương đương 3.128.583 cổ phần (chiếm 11,49% vốn điều lệ), bằng tiền mặt. Daewon Co.,Ltd góp 65,73 tỷ đồng, tương đương 6.573 cổ phần (chiếm 24,14% vốn điều lệ), bằng tiền mặt.
Cổ đông lớn nhất và duy nhất đóng góp cổ phần bằng quyền phát triển dự án Green Pearl trên nền khu đất 378 Minh Khai là Tổng Công ty CP Phong Phú. Doanh nghiệp này do ông Trần Quang Nghị là Chủ tịch HĐQT nhưng Vị này còn khá nổi tiếng bởi giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Dù là liên doanh của khá nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp với thương hiệu, tiềm lực tài chính lớn và doanh nghiệp nước ngoài, nhưng từ thời điểm triển khai đến nay, dự án này đã liên tục bị kiểm tra, xử phạt vi phạm xây dựng. Đến đầu năm 2020, dự án này lại bị khách hàng khiếu kiện kéo dài.
Đáng chú ý tại dự án này, đó là sự góp mặt của Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House), một doanh nghiệp khá nổi tiếng tại khu vực phía Nam. Có thể nói, đây chính là dự án đầu tiên, đánh dấu việc “Bắc tiến” của doanh nghiệp này. Sau Green Pearl, Thủ Đức House tiếp tục công bố về việc khởi động kế hoạch đầu tư ra thị trường phía Bắc để mở rộng thị phần. Theo đó, CTCP Phát triển Nhà Daewon – Thuduc (DWTD), liên doanh giữa Thuduc House với đối tác Hàn Quốc (trong đó Thuduc House sở hữu 40% vốn góp) đã ký kết hợp đồng thành lập công ty liên doanh với Công ty TNHH chế tạo Công nghiệp và Gia Công chế biến hàng Xuất Khẩu Việt Nam (VMEP).
Mục đích của Thủ Đức House tham gia vào liên doanh mới này là góp vốn đầu tư dự án phức hợp tại quận Hà Đông, Hà Nội. Tên liên doanh vừa được thành lập trong tháng 5/2018 có tên gọi Công ty TNHH Phát triển nhà SYM – DWTD. Tổng vốn điều lệ 23 triệu USD. Tỷ lệ vốn góp của Daewon - Thuduc là 49%. Dự án đầu tư có vị trí tọa lạc tại phường La Khê, quận Hà Đông, trên khu đất rộng 40.603,7 m2.
Thế nhưng, “đầu chưa xuôi” thì liệu “đuôi có lọt”, những lùm xùm tại Green Pearl, liệu có ảnh hưởng tới thương hiệu, tài chính của Thủ Đức House, khiến họ “sa lầy” ở thị trường phía Bắc.