Dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đang được Bộ Tư pháp tổng hợp lấy ý kiến. Nội dung đáng chú ý là đề xuất ban hành Luật thuế bất động sản.
Bộ Tư pháp đưa ra một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, cần nghiên cứu để bổ sung quy định đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ, theo hướng áp dụng thuế suất cao hơn đối với việc giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn. Việc điều chỉnh này nhằm điều tiết hợp lý và hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản.
Tăng thuế thu nhập cá nhân với các trường hợp "lướt sóng" sẽ giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ bất động sản. Ảnh: Công Hùng
Hiện nay, thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 2%. Theo Bộ Tư pháp, khi điều chỉnh theo hướng này, mức thuế suất cụ thể cũng cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản. Đồng thời, việc áp dụng chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ cũng cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở cũng như sự đồng bộ, mức sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký đất đai, bất động sản. Qua đó, có thể tạo điều kiện cho cơ quan thuế có đủ thông tin và cơ sở pháp lý để có được các thông tin liên quan đến thời gian nắm giữ bất động sản.
Ngoài ra, đối với nhà chung cư, bao gồm cả đất xây dựng nhà chung cư, Bộ Tư pháp đề nghị quy định ngưỡng chịu thuế đối với nhà chung cư đảm bảo điều tiết thấp đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà chung cư bình dân để không ảnh hưởng tới cung - cầu thị trường bất động sản và hạn chế tác động đến phân khúc căn hộ bình dân. Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ thuộc đối tượng miễn thuế.
Tuy nhiên, thuế bất động sản sẽ thực hiện điều tiết cao đối với căn hộ cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư.
Cũng trong dự thảo trên của Bộ Tư pháp, cơ quan này còn đề nghị tăng thuế đối với đối với toàn bộ diện tích đất ở và nâng thuế suất cao hơn mức hiện nay (0,03%) là cần thiết để phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhằm tạo được sự đồng thuận của người dân, mức thuế suất cần được tính toán cho phù hợp với khả năng nộp thuế của người dân. Đặc biệt, cần đảm bảo hầu hết các thửa đất ở nông thôn, có giá trị thấp đến trung bình đều không phải nộp thuế.
Còn về giá tính thuế đối với đất ở được xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân (x) với giá của 1m2 đất tính thuế. Trong đó, diện tích đất tính thuế là diện tích đất thực tế sử dụng. Giá của 1m2 đất tính thuế được xác định bằng giá 1m2 đất trong bảng giá đất x hệ số điều chỉnh do UBND cấp tỉnh ban hành.
Riêng đối với nhà, đất lấn chiếm, nhà, đất chưa đưa vào sử dụng, Bộ Tư pháp đề nghị áp thuế suất cao nhằm ngăn chặn hoạt động đầu cơ bất động sản. Theo kinh nghiệm quốc tế, như tại Latvia, đất chưa sử dụng có mức thuế gấp đôi so với đất đã xây dựng. Hay tại Philippines, thuế đất chưa sử dụng được ấn định ở mức 5%, cao hơn gấp năm lần so với thuế suất đối với đất đã xây dựng.