Kiến trúc bị biến dạng
Hà Nội đang trong quá trình đô thị hoá mạnh mẽ. Bên cạnh những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo kiến trúc khoa học, hài hoà, mỹ quan đô thị cũng đang được TP quan tâm hàng đầu. Với lợi thế quy hoạch, thiết kế, xây dựng bài bản, các KĐT mới được xem như điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp cho đô thị Hà Nội.
Thế nhưng, diện mạo nhiều KĐT mới lại đang dần trở nên xộc xệch, trật tự kiến trúc bị phá vỡ. Đơn cử như KĐT mới Mỗ Lao, phường Mộ Lao (Hà Đông) được bàn giao cho người dân sử dụng từ năm 2008. Chỉ trên một tuyến phố Nguyễn Văn Lộc, hàng chục căn biệt thự liền kề được đồng bộ khi xây thô nhưng khi hoàn thiện thì căn phá bỏ tường gạch để làm vách kính tại mặt tiền, căn lại dỡ toàn bộ hàng rào, thay bằng bục bệ. Một số căn bảng biển quảng cáo lòe loẹt chăng kín bên ngoài.
|
Cảnh quan khu đô thị mới Mỗ Lao đang bị phá vỡ biến dạng. Ảnh: Ngọc Hải |
Điểm chung của đa số biệt thự liền kề hai bên đường Nguyễn Văn Lộc là không dùng để ở, mà trở thành tiệm phở, tiệm lẩu, quán cà phê, quán bia vỉa hè, nhà hàng hạng sang hoặc nhà trẻ tư thục. Những căn biệt thự này ban đầu được thiết kế để làm nhà ở, song theo nhu cầu kinh doanh buôn bán, được chuyển đổi công năng, kéo theo đó là sự biến dạng kiến trúc.
Cùng chung số phận, nhiều KĐT khác tại Hà Nội cũng lâm vào cảnh kiến trúc bị méo mó như KĐT sinh thái Xuân Phương (Nam Từ Liêm), KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai)… khiến cho diện mạo đô thị trở nên lộn xộn.
Lý giải về việc cảnh quan đô thị tại KĐT Mỗ Lao bị biến dạng nghiêm trọng, Phó Chủ tịch UBND phường Mộ Lao, quận Hà Đông Nguyễn Quang Tuấn cho biết: “Dù đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao cho địa phương quản lý. Vì vậy, các hoạt động xây dựng, sửa chữa biệt thự liền kề chính quyền địa phương không nắm được”.
Tương tự, giải trình trước HĐND TP về trường hợp vi tự ý hợp khối hai căn biệt thự tại lô BT9, KĐT sinh thái Xuân Phương, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho hay, trên thực tế, các công trình riêng lẻ trong KĐT không thuộc diện phải cấp phép, do đó chính quyền địa phương không bám sát, phát hiện được. Có thể thấy các quy định của pháp luật về xây dựng đang còn nhiều kẽ hở.
Bên cạnh đó, thạc sĩ quản lý đô thị Đinh Quốc Thái cho rằng, không chỉ người dân lách luật để cải tạo, cơi nới biệt thự liền kề mà chính những người được trao chức năng giám sát cũng né tránh trách nhiệm. Nhiều chuyên gia còn chỉ ra rằng, giai đoạn vừa qua, vi phạm trật tự xây dựng ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng “dễ dàng” quá. Cứ vi phạm, nộp phạt rồi sẽ được tiếp tục hoàn thiện nên tinh thần thượng tôn pháp luật chưa cao.
Kẽ hở pháp lý
Từ trường hợp của KĐT Mỗ Lao và KĐT sinh thái Xuân Phương có thể thấy vẫn còn kẽ hở trong quy định về quản lý các KĐT. Việc không bàn giao hoặc chậm bàn giao quyền quản lý về các địa phương khiến vi phạm trật tự xây dựng tại các KĐT thường chỉ được thừa nhận khi “gạo đã nấu thành cơm”.
Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vá lỗ hổng này, phân định rõ trách nhiệm quản lý xây dựng tại các KĐT. KTS Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, phiên giải trình về quản lý trật tự xây dựng của HĐND TP Hà Nội vừa qua đã đi thẳng vào vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý, các cấp chính quyền trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. “Đây là việc làm hết sức kịp thời của lãnh đạo TP Hà Nội trong việc quy trách nhiệm tới từng cá nhân, lãnh đạo trong công tác quản lý trật tự xây dựng” – KTS Trương Văn Quảng nói.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, quan trọng hơn là khi phát hiện ra vi phạm trật tự xây dựng, cần quyết tâm buộc khôi phục nguyên trạng công trình để bảo vệ tính đồng nhất, hài hoà của cảnh quan đô thị. Đây là việc không dễ. Nhiều trường hợp, lãnh đạo các địa phương đã bị kiểm điểm trách nhiệm, chủ công trình vi phạm đã bị phạt rất nặng, nhưng công trình sai thiết kế, sai phép vẫn được cho tồn tại.
"Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các KĐT cần quyết tâm, hiệu quả. Kể cả công trình có được chấp thuận điều chỉnh quy hoạch đi chăng nữa cũng phải khắc phục phần vi phạm rồi mới xem xét cho điều chỉnh." - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn "Trên thực tế có rất nhiều chủ công trình vẫn cố tình làm sai và sẵn sàng nộp phạt để công trình được tồn tại. Vì vậy, cần phải có chế tài mạnh hơn nữa đối với những công trình xây dựng sai thiết kế quy hoạch, như vậy mới đủ sức răn đe. " - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh |