Một dự án đang xây dựng trên đường Trần Duy Hưng. Ảnh: Hải Linh |
Nhấp nhổm bội tăng thuế hàng tỷ đồng
Đầu tháng 5/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế có hiệu lực và được kỳ vọng hạn chế tình trạng chuyển giá trong khối DN FDI qua các giao dịch giữa các DN có liên kết về sở hữu, quản trị… Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ có DN nước ngoài mà ngay DN trong nước cũng nằm trong phạm vi ảnh hưởng.
Ghi nhận thực tế thị trường, chỉ tính riêng khối DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã phát sinh nhiều bất cập khi khống chế chi phí lãi vay ở mức trần 20% tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20. Bởi cụm từ “chi phí lãi vay” được hiểu trong văn bản pháp lý chưa rõ ràng. Đơn cử, nếu hiểu chi phí lãi vay là phần lãi đi vay thuần túy, không được cấn trừ với thu nhập cho vay thì các khoản vay trả chậm, trả góp và các khoản cấn trừ sẽ không thống nhất trong cách xử lý thu nhập tính thuế. Bên cạnh đó, Nghị định 20 cũng không quy định phạm vi ngưỡng 20% chỉ áp dụng riêng với các khoản vay từ bên liên kết hay tất cả khoản vay của DN. Nên khi áp dụng cách hiểu khác nhau, số thuế phải nộp của các DN có sự chênh lệch lớn.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xem xét áp dụng khuyến nghị của Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) về mức trần lãi vay cho các tập đoàn đa quốc gia. Con số áp trần lãi vay tại Pháp là 25% (mỗi năm phải giảm 5% sau năm tính thuế đầu tiên). Tại Nhật Bản, con số chi phí lãi vay được đánh giá là “cởi mở” hơn khi mức quy định lên tới 50%. Tuy nhiên, điểm khác biệt, Nhật Bản chỉ đánh thuế trên mức chi phí lãi vay ròng. |
Chưa kể, đối với các khoản vay mà công ty mẹ vay về và cho công ty con vay lại, chi phí lãi vay phát sinh tại cả công ty tính trên cùng một khoản vay và sẽ bị áp trần 2 lần. Phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị tính thuế 2 lần tại 2 công ty.
Mới đây nhất, một công ty có tiếng trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng từng phải lên tiếng “than” việc các công ty con của họ gặp khó trong cân đối vốn. Bởi hiện nay, đơn vị này thường xuyên ký các hợp đồng cam kết vay với các đơn vị thành viên. Bản chất của giao dịch liên kết này giữa công ty mẹ và các thành viên là “cho vay lại” và được Chính phủ cho phép thực hiện theo quy định của Nghị định 10/2017/NĐ-CP về quy chế quản lý tài chính nội bộ. Nay nếu phải thực hiện khống chế tổng chi phí lãi vay theo các quy định của Nghị định 20/2017, các công ty con trực thuộc phải nộp thêm các khoản thuế thu nhập DN rất lớn (từ vài chục tỷ đồng trở lên).
Một ví dụ nữa, với DN bất động sản cần nguồn vốn rất lớn và hoạt động kinh doanh theo chu kỳ gồm giai đoạn đầu tư, giai đoạn phát triển sản phẩm, giai đoạn bán hàng. Giai đoạn đầu tư ban đầu cần có chi phí lớn trong khi chưa phát sinh doanh thu. Do đó, việc áp dụng mức khống chế lãi vay trong giai đoạn đầu tư (với chi phí lãi vay không được vốn hóa) và khống chế chi phí lãi vay đứt đoạn theo từng năm sẽ gây thiệt hại lớn cho DN.
Mũi tên “lệch” đích đến?
Trước những bất cập lớn từ Nghị định 20 dẫn tới việc bội tăng tiền thuế từ việc áp trần lãi vay 20%, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên áp dụng phương án khống chế chi phí lãi vay bằng lãi vay ròng, không nhất thiết áp chi phí lãi vay thuần như hiện tại.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhanh chóng phát đi văn bản đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ liên quan tới Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Theo VNREA, quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh. Đặc biệt, gián tiếp tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn.
Bình luận về thực tế trên, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Với nhiều năm hoạt động tài chính tại Mỹ, tôi nhận thấy không có việc áp trần chi phí lãi vay cho DN tại quốc gia này cũng như nhiều đất nước phát triển. Nếu một DN nào đó có dấu hiệu đẩy chi phí vay để trốn thuế, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu DN giải trình và sau đó là tiến hành điều tra. “Nghị định 20 nhắm vào DN có giao dịch liên kết nhằm gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống thất thu. Tuy nhiên, đối với DN nội không có công ty liên kết bên ngoài sẽ không phù hợp và đặc biệt có thể gây thiệt hại cho nhiều DN hoạt động theo mô hình mẹ - con trong nước. Sẽ có một nhóm DN phải gánh trách nhiệm nặng nề cho những DN khác trốn thuế" – TS Hiếu phân tích.
Ở góc nhìn tích cực hơn, bà Hương Vũ - Phó Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Vietnam) đã đưa ra đề nghị: Nghị định 20 có thể điều chỉnh theo hướng bù trừ thu nhập và chi phí lãi vay, lãi suất biến động, tỷ lệ nhóm; xem xét đặc thù cho các DN mới hoạt động/đầu tư mở rộng; xem xét tính đặc thù của tập đoàn là tổng công ty, mô hình hoạt động công ty mẹ - con... Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức khống chế cần phải được khảo sát và nghiên cứu thêm để phù hợp điều kiện cũng như các quy định khác tại Việt Nam.