Sáng ngày 20-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ Trịnh Ngọc Thắng (30 tuổi, , ngụ ở phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra ban đầu cho biết từ tháng 2-2017, Trịnh Ngọc Thắng đã câu kết cùng một nhóm người ở Hà Nội, Thanh Hóa đứng ra lập một trang Web có mang tên Aigbtboss.net kêu gọi các nhà đầu tư tham gia góp vốn để được hưởng lãi suất cao dưới hình thức đầu tư đồng tiền Bitcoin và các dự án bất động sản.
Đối tượng Trịnh Ngọc Thắng tại cơ quan điều tra. Ảnh: ĐÌNH HỢP
Những người này liên tục tổ chức các sự kiện, các buổi hội thảo và đưa ra nhiều gói đầu tư có giá trị từ 500 đến 5.000 USD, gói đầu tư càng cao thì lợi nhuận càng hấp dẫn, thậm chí lên đến 50%.
Thêm vào đó, với cam kết trích 10% hoa hồng cho những thành viên giới thiệu được thành viên mới (theo hình thức đa cấp), từ tháng 2-2017 đến khi bị bắt, nhóm này đã lừa đảo hàng chục người dân trên địa bàn TP Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An với số tiền lên đến hàng tỉ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Thắng đã khai nhận huy động được 15 trường hợp tham gia đầu tư. Số tiền lừa được, các đối tượng tiêu xài cá nhân, gần 50% còn lại dùng để trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Vụ điển hình nhất là vào ngày 16-3-2017, bà B ngụ ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) tham gia góp vốn và nộp vào tài khoản của chúng 260 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm Thắng bị bắt thì vẫn chưa nhận được một đồng tiền lãi, tiền hoa hồng nào và toàn bộ số tiền của bà B bị các đối tượng Thắng chiếm đoạt.
Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin hiện đang đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án. Cơ quan này cũng đề nghị những ai là bị hại thì phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa (Số 18, Lê Hồng Phong, phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa) hoặc liên hệ trực tiếp đến số điện thoại 0237.3858.252 để phối hợp điều tra, xử lý tội phạm.
Đầu tư tiền ảo, rủi ro thật
Từ tháng 3/2016, Cục Thương mại điện tử cũng đã cảnh báo về rủi ro nếu sử dụng tiền ảo để giao dịch.
Mới đây nhất, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương cũng đã cảnh báo loại hình Kinh doanh huy động tiền ảo theo mô hình đa cấp, thực chất là đội lốt lừa đảo.
Bản chất của hoạt động này chủ yếu là để lôi kéo càng nhiều người tham gia càng tốt. Sau đó người làm chủ hệ thống đó họ sẽ chiếm đoạt số tiền và biến mất.
Trên thế giới cũng ghi nhận nhiều vụ sập sàn giao dịch của những đồng tiền ảo từng được coi là uy tín nhất. Năm 2013, vụ lừa đảo liên quan đến đồng Liberty Reserve làm mất 350 tỷ đồng của người tham gia. Hay sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới ngừng hoạt động khiến những người tham gia lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Sàn giao dịch luôn có nguy cơ sập, thế nhưng tại Việt Nam, tiền ảo còn biến thành công cụ cho các hình thức huy động tài chính khác vẫn với chiêu bài trả lãi cao, hoạt động trên mạng Internet.
Mua tiền ảo, đổ tiền vào các trang huy động vốn dùng tiền ảo... chỉ đến khi mất tiền thật, những nhà đầu tư này mới giật mình trở lại thế giới thực.