Sản lượng trái cây cả nước trong quí 2-2023 ước đạt trên 2,6 triệu tấn và có thể sẽ chạm mốc 12,4 triệu tấn vào cuối năm nay, theo thông tin từ Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Giá trị rau quả xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm gần 2,8 tỉ đô la Mỹ, trong đó sầu riêng mang về 850 triệu đô la, nhiều gấp đôi mức xuất khẩu của cả năm 2022. Bức tranh thực trạng trái cây hiện ra rất đẹp nhưng lại ẩn chứa những mảng màu xám đáng chú ý.
Tình trạng trồng trọt theo phong trào dường như đã thành bệnh trầm kha. Điển hình là tình trạng phát triển “nóng” của chính cây sầu riêng. Sau những thông tin tích cực về việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, diện tích trồng sầu riêng trên cả nước đã và đang tiếp tục được mở rộng một cách ồ ạt, lan đến cả những nơi không có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp.
Bên cạnh đó là những vấn đề nhức nhối khác, như tình trạng sản xuất cá thể, manh mún; công nghệ sản xuất lạc hậu, đặc biệt là công nghệ đóng gói, bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Đó là chưa kể đến các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại còn thiếu và yếu, chưa hình thành được các chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ một cách bền vững.
Việc phát triển diện tích vùng trồng mất kiểm soát như vậy có thể ảnh hưởng đến chất lượng và cả danh tiếng của trái cây Việt Nam ở ngay thị trường nội địa và quốc tế.
Chất lượng của trái cây nói riêng, và nông sản nói chung, không chỉ phụ thuộc vào giống, mà còn do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở mỗi vùng trồng. Đó là lý do nước ta có những thương hiệu nông sản được nhiều người biết đến như tỏi Lý Sơn, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim…
Vì vậy, những loại trái cây Việt của những tên tuổi nổi tiếng được bày bán trên các sạp hàng ở chợ truyền thống, những chiếc xe bán hàng rong trên khắp các ngóc ngách đường phố, đến các kệ hàng hiện đại ở các siêu thị và kể cả các gian hàng thương mại điện tử… liệu chất lượng có như nhau? Với người tiêu dùng đây là một thách thức.
Vậy mới nói, giữa một bức tranh tổng thể về trái cây Việt Nam, dường như vẫn chưa có một “điểm chạm” giữa kỳ vọng của người tiêu dùng và khả năng đáp ứng của sản phẩm. Chính điều này đã dẫn đến những nỗi “sầu riêng” bất an, hoang mang về chất lượng đang len lỏi trong thị trường trái cây Việt Nam.
Chiếc phao chỉ dẫn địa lý
Người tiêu dùng rất cần những chỉ dẫn thương mại để không chỉ phân biệt sản phẩm cùng loại từ những nhà cung cấp khác nhau, mà còn giúp họ tìm xem nó có đáp ứng những kỳ vọng của họ không. Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là một công cụ giúp người tiêu dùng tìm được loại trái cây ưa thích khi giúp truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, danh tiếng, uy tín, câu chuyện thương hiệu của sản phẩm gắn với văn hóa, truyền thống bản địa hay chất lượng đặc thù của sản phẩm được tạo nên từ điều kiện tự nhiên khác biệt và quy trình sản xuất độc đáo.
Theo khoản 22 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam, CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Để được bảo hộ dưới danh nghĩa CDĐL, sản phẩm phải có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với CDĐL.
Đồng thời, sản phẩm mang CDĐL phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với CDĐL đó quyết định.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các quốc gia đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, việc gìn giữ và nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc sản của từng khu vực để tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại với hàng ngoại nhập và thâm nhập vào thị trường quốc tế là những thách thức lớn trong giai đoạn này.
CDĐL giống như một chiếc phao cho cả người tiêu dùng và các nhà sản xuất và bán hàng. Việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT nói chung và CDĐL nói riêng thực sự là công cụ cần thiết và quan trọng để khẳng định chất lượng và định vị uy tín cho các sản phẩm đặc sản địa phương.
Tính đến tháng 5-2023, theo thông tin được công khai trên Cổng thông tin của Cục SHTT, đã có 129 CDĐL được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam, bao gồm 13 của nước ngoài và 116 của Việt Nam. Trong đó, có 38 CDĐL được bảo hộ cho sản phẩm trái cây, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm sản phẩm với gần 33%, có thể kể đến những cái tên quen thuộc như sầu riêng Cái Mơn (Bến Tre), chôm chôm Long Khánh, bưởi Tân Triều (Đồng Nai), bưởi Năm Roi Bình Minh (Vĩnh Long), xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang), xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp), mãng cầu Bà Đen (Tây Ninh), cam Cao Phong (Hòa Bình)…
Điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng CDĐL
Mặc dù số lượng CDĐL được bảo hộ tại Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây, nhưng việc quản lý và sử dụng chúng vẫn còn bộc lộ một số điểm nghẽn.
Theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu CDĐL là Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước có thể trực tiếp thực hiện quyền quản lý CDĐL thông qua các cơ quan quản lý hành chính tại địa phương như UBND, các sở… hoặc trao quyền quản lý cho tổ chức tập thể đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng CDĐL, ví dụ như các hội, hiệp hội ngành hàng.
Trên thực tế, phần lớn các CDĐL tại Việt Nam đều được quản lý bởi các cơ quan nhà nước. Trong đó, theo một cuộc khảo sát của Cục SHTT thực hiện cuối năm 2022, tỷ lệ quản lý theo UBND cấp tỉnh là 5,5%, UBND cấp huyện 47%, các sở và cơ quan trực thuộc là 44%, còn các tổ chức tập thể chỉ giữ 4%.
Đây chính là điểm bất cập lớn nhất của hoạt động quản lý, khai thác CDĐL tại Việt Nam, khi một chỉ dẫn thương mại, gắn trực tiếp với sản phẩm và thị trường nhưng lại do cơ quan nhà nước quản lý. Điều này dẫn đến thực trạng số lượng CDĐL được sử dụng để nhận diện trong quá trình thương mại sản phẩm cả ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu còn rất hạn chế.
Một số điểm bất cập khác có thể kể đến như các văn bản quy định về quản lý CDĐL được ban hành chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và hiệu quả thực thi chưa cao; việc kiểm soát chất lượng, quy trình sản xuất sản phẩm mang CDĐL chưa được thực hiện hiệu quả; nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp về CDĐL còn hạn chế, chưa thấy được ý nghĩa, giá trị của công cụ này; một số sản phẩm đã và đang được đăng ký bảo hộ không có giá trị kinh tế cao hoặc đã bị mai một do các yếu tố tác động về điều kiện địa lý không còn phù hợp.
Hướng giải quyết
Để khắc phục những bất cập này, cần phải phân định rạch ròi vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức tập thể. Cụ thể, vai trò của cơ quan nhà nước chỉ nên dừng lại mức độ vĩ mô như hoạch định, ban hành chính sách, giám sát, kiểm tra. Còn vai trò của các tổ chức tập thể cần được phát huy hơn nữa trong hoạt động quản lý vi mô đối với từng CDĐL.
CDĐL đang được xem như là một tài sản cộng đồng, thuộc sở hữu toàn dân. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, phát huy được tối đa hiệu quả của CDĐL đối với ngành hàng trái cây nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung, cần giao quyền quản lý “chiếc chìa khóa” này cho những người hiểu rõ nhất về sản phẩm, tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng và có thể nhanh chóng, kịp thời, chủ động nắm bắt các thông tin, biến động của thị trường.
Lợi ích của việc bảo hộ CDĐL Thứ nhất, CDĐL là công cụ pháp lý hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng “đánh cắp” thương hiệu, giả mạo nguồn gốc xuất xứ trên thị trường. Thứ ba, bảo hộ thành công CDĐL tạo ra nền tảng thuận lợi cho các mặt hàng nông sản thâm nhập vào thị trường quốc tế. Hiện Việt Nam đã có 39 CDĐL được bảo hộ tại EU theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Ngoài ra, trong năm 2021, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và thanh long Bình Thuận đã lần lượt được cấp văn bằng bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản. Thứ tư, bảo hộ CDĐL có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn thông qua việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm đặc sản, đặc thù của từng địa phương, hạn chế tình trạng di dân về thành thị, bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường tính kết nối cộng đồng ở những vùng sản xuất. |