Chênh giá hàng chục ngàn đồng/kg
Tại chợ Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh), có sự khác nhau khá rõ về giá thịt bò giữa các sạp. Thịt ở những sạp chỉ treo các sản phẩm được làm sẵn thành thăn, đùi, nạm… có mức giá khá rẻ, trung bình chỉ 170.000-190.000đ/kg. Tuy nhiên không khó để nhận ra đây là những sản phẩm được rã đông, vì trên sạp không có bất cứ bộ phận nào còn phần xương, phần thịt bên ngoài thì ướt, sậm màu, dùng tay nhấn lên thấy nhão, ít đàn hồi.
Nhiều phần thịt dày, khi cắt ra, phần lõi chính còn khá cứng. Hầu hết tiểu thương đều giới thiệu đang bán thịt bò Úc tươi sống chứ không nói là thịt đông lạnh, hay lấy từ mối giết mổ. Trong khi đó, có sạp lại treo ngược đùi bò còn đủ da và xương, giá bình quân 210.000- 230.000đ/kg.
Điều lạ là thịt bò Úc được tiểu thương bán lẻ tại chợ có giá dưới 200.000đ/kg, trong khi thịt bò Úc do các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên con về giết mổ, bán ra thị trường lại có giá cao hơn hẳn. Chẳng hạn, đùi bò Úc bán lẻ từ Công ty Trung Đồng (một trong những doanh nghiệp nhập khẩu bò nguyên con từ Úc về Việt Nam giết mổ) có giá 250.000đ/kg, cao hơn giá sản phẩm cùng loại tại các chợ 20.000-40.000đ/kg. Chẳng lẽ giá bán của một doanh nghiệp bán sỉ lại cao hơn giá bán lẻ của tiểu thương ngoài chợ?
Thịt trâu đông lạnh được nhúng huyết tươi "hô biến" thành thịt bò |
Thịt bò loạn giá vì...
Tại nhiều nơi, thịt trâu đông lạnh được rã đông bán cho người tiêu dùng với "mác" thịt bò tươi
Căn cứ vào cách pha lóc, không khó để tìm đến nguồn phân phối các sản phẩm thăn, đùi, nạm… bán tại nhiều chợ lẻ hiện nay. Tìm đến các đầu mối cung cấp sỉ các sản phẩm thịt trâu/bò đông lạnh nhập khẩu, tại khu vực Quốc lộ 50 (Q.8), chúng tôi thấy phổ biến nhất là những thùng thịt trâu mang thương hiệu Allana; việc giao dịch mặt hàng này rất sôi động, với giá thịt trâu trung bình chỉ 95.000-145.000đ/kg (tùy loại, tùy bộ phận).
Hưng, một đầu mối bán hàng tại đây cho biết, giấy tờ nhập khẩu, kiểm dịch ghi là thịt trâu nhưng khi dỡ thùng, rã đông thì dùng như thịt bò. “Sẽ chẳng ai nhận ra trâu hay bò gì hết...”, Hưng khẳng định khi nghe chúng tôi ngỏ ý lấy hàng về bán.
Sự sôi động ở những điểm bán sỉ này còn đến từ một nguyên nhân khác. Nếu như cách đây vài tháng, những sản phẩm đông lạnh này thường được các mối vận chuyển bằng xe gắn thùng lạnh, thì nay những thùng thịt chưa rã đông được xếp lên các xe máy, chở đi tiêu thụ khắp nơi trong thành phố.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi một số quy định về kiểm dịch nội tỉnh của ngành thú y được dỡ bỏ, chủ hàng không lo về các quy trình kiểm soát từ cơ quan thú y như trước đây. Điểm đến của các lô hàng này là quán ăn, sạp thịt tại các chợ…
Những thùng hàng này tại điểm bán được niêm yết là thịt trâu đông lạnh, nhưng sau khi rã đông, dỡ bỏ bao bì thì chẳng ai có thể phân biệt đây là thịt trâu hay thịt bò. Điều này giải thích vì sao cùng một sản phẩm là đùi, bắp hay thăn, khi ra đến thị trường bán lẻ, lại đa dạng về giá đến vậy.
Chỉ biết khi sản phẩm "có vấn đề"
Theo thống kê của ngành thú y TP.HCM, trung bình mỗi tháng có khoảng 1.000 tấn thịt trâu đông lạnh được nhập về từ Ấn Độ, nhưng trên thị trường, chẳng có mấy điểm bán chịu công bố mình đang bán thịt trâu.
Thi thoảng lại lòi ra thêm một vài cơ sở dùng hóa chất “cải biến” thịt trâu thành thịt bò bị phanh phui, nhưng hầu như chẳng có cơ sở nào bị xử phạt về hành vi kinh doanh hàng gian, hàng giả.
Nguyên nhân là những vi phạm này thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan quản lý thị trường, trong khi “bên” phát hiện sai phạm lại là cơ quan thú y, mà cơ quan này chỉ có thể xử lý lỗi không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không có nguồn gốc hay sản phẩm nhiễm vi sinh. Trong khi đó, những chủ hàng khi bị bắt thường nhanh chóng làm đơn xin tự nguyện tiêu hủy toàn bộ hàng.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, việc quản lý thịt trâu, bò hiện khó khăn hơn trước do quy định bỏ kiểm dịch nội tỉnh. Để nhận biết thịt trâu rã đông bán như thịt bò, ông Thảo cho rằng rất khó, cán bộ thú y cũng phải có chuyên môn, nghiệp vụ cao mới có thể nhận biết. Đó là chưa kể, nhiều người còn sử dụng hóa chất, huyết (bò/ heo) tươi làm cho những sản phẩm đông lạnh này có màu đỏ, hồng để qua mặt người tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, với cơ chế quản lý hiện nay, rất khó kiểm soát được chất lượng nguồn thực phẩm nhập khẩu.
Dù được chỉ đạo phải phối hợp giữa ba ban ngành là công thương (trực tiếp là hải quan), nông nghiệp và y tế nhưng hiện sự phối hợp này vẫn chưa nhịp nhàng, chưa có cơ chế thông tin liên lạc giữa các bên để giám sát nguồn thực phẩm này.
“Thực phẩm nhập khẩu về đến thành phố, sau đó về các tỉnh hay nằm lại TP.HCM, đường đi của chúng ra sao, chúng tôi đều không nắm được”, bà Mai cho hay. Trên thực tế, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm chỉ “nắm” được khi những sản phẩm đó có “vấn đề”, bị cơ quan quản lý thị trường phát hiện.