Sáng 10/12, Cục ATTP (Bộ Y tế) - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP cho biết, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019 đang đến gần. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… có nhu cầu tiêu dùng gấp 10 lần so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu của mình, nguy cơ thực phẩm mất an toàn được đưa ra thị trường dịp này vì thế cũng rất lớn.
Vì vậy, để đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, bắt đầu từ 1/1/2019 tới đây cho đến hết 25/3/2019, 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP sẽ ra quân kiểm tra tại 12 tỉnh/ thành phố trọng điểm trên cả nước gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Tháp, Tiền Giang.
Thành lập 6 đoàn kiểm tra để ngăn chặn thực phẩm bẩn dịp Tết và lễ hội Xuân 2019.
Đoàn số 1 do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chủ trì, kiểm tra tại Ninh Thuận và Bình Thuận; Đoàn số 2 do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chủ trì kiểm tra tại Lào Cai và Yên Bái; Đoàn số 3 do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chủ trì, kiểm tra tại TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh; Đoàn số 4 kiểm tra tại Đồng Tháp và Tiền Giang, do Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) chủ trì; Đoàn số 5 do Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, kiểm tra tại Hà Nội và Hưng Yên; Đoàn số 6 kiểm tra tại Lâm Đồng và Đăk Nông, do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chủ trì.
Tại các địa phương, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đề nghị thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ cấp tỉnh đến quận/huyện, xã/phường, tập trung vào kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu...
Mục tiêu là tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, đồng thời tăng cường phòng chống, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và Lễ hội Xuân năm 2019.
Theo Cục ATTP, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.710 ca mắc, trong đó có 15 trường hợp tử vong, chủ yếu do ngộ độc rượu và ngộ độc nấm. Trong thời gian qua, Cục cũng đã thu hồi hàng trăm giấy phép, xử phạt gần 6 tỷ đồng đối với 99 doanh nghiệp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.