Những tác hại khi để bàn chải đánh răng trong nhà vệ sinh
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Nhà vệ sinh là khu vực sinh hoạt cá nhân của mỗi gia đình, nhưng vị trí này lại là nơi dễ tích tụ vi khuẩn nhất, vì môi trường luôn ẩm ướt khiến vi khuẩn gây bệnh dễ sản sinh. Do sử dụng thường xuyên nên mọi người thường có thói quen đặt những vật dụng hàng ngày trong nhà vệ sinh để tiện sử dụng.
Tuy nhiên, hành động bình thường này là một mối nguy hại tiềm ẩn đến sức khỏe. Theo kết quả từ nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, bàn chải đánh răng chính là vật dễ tích tụ nhiều vi khuẩn nhất trong nhà vệ sinh. Vì sau mỗi lần sử dụng, bàn chải sẽ bám thêm một lớp vi khuẩn, nếu không được vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Mỗi khi đánh răng, số lượng vi khuẩn có trong miệng của chúng ta sẽ được truyền qua bàn chải ra môi trường bên ngoài. Kết hợp với môi trường ẩm ướt trong nhà vệ sinh khiến vi khuẩn phát triển mạnh mẽ hơn. Trong thời gian dài, lượng vi khuẩn có trong bàn chải thậm chí còn nhiều hơn bồn cầu.
Bên cạnh đó, bàn chải của các thành viên trong gia đình được đặt sát nhau sẽ làm tăng khả năng lây lan vi khuẩn. Theo nghiên cứu của trường Đại học Quinnipiac (Mỹ) cho thấy rằng mặc dù bạn dọn dẹp nhà vệ sinh sạch như thế nào thì bàn chải của bạn vẫn còn tồn đọng đến 60% khả năng nhiễm bẩn. Từ lý do này mà ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng, gây các bệnh như sâu răng và viêm nướu.
Nên để bàn chải đánh răng trong nhà vệ sinh như thế nào?
Chính vì những lý do trên, chúng ta cần phải giữ bàn chải đánh răng luôn sạch sẽ. Các chuyên gia khuyên rằng, nếu nhà tắm thường xuyên ẩm ướt, bàn chải đánh răng nên để ở bên ngoài, chỗ khô ráo hoặc để trên tủ tường. Tuyệt đối không để gần bồn cầu hoặc trên bồn rửa tay, đầu của bàn chải nên hướng lên trên để tránh vi khuẩn bám vào.
Ngoài ra, nếu mỗi ngày bạn đánh răng 3 lần, thì mỗi tháng nên thay bàn chải một lần. Nếu mắc các bệnh về răng lợi, tốt nhất nên 3 tuần thay bàn chải một lần. Nếu bị cảm hoặc mắc các bệnh lây nhiễm khác thì nên thay bàn chải mới sau khi khỏi bệnh.
Bên cạnh đó, bạn có thể nhúng bàn chải qua nước sôi để loại bỏ vi khuẩn. Tuy cách làm này sẽ làm lông bàn chải dễ hỏng, nhưng lại mang đến hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn rất tốt. Chỉ nên áp dụng cách này mỗi tuần một lần để bàn chải đánh răng sử dụng lâu hơn, hạn chế hư tổn.
Bàn chải dùng lâu ngày có thể tích tụ nhiều vi khuẩn và mảng bám. Lúc này, thay bàn chải đánh răng mới chính là giải pháp bảo vệ răng miệng hiệu quả, giúp giảm thiểu nguy cơ sâu răng, viêm lợi và nướu. Bạn nên thay bàn chải đánh răng sau khoảng 3 - 4 tháng sử dụng.
Những món đồ không nên để trong nhà vệ sinh
Dao cạo
Dao cạo đa phần đều làm bằng kim loại. Trong môi trường ẩm thấp, nhiều hóa chất như nhà vệ sinh sẽ dễ dàng bị oxy hóa và mau hư. Tốt nhất mỗi lần sử dụng xong nên bao lại cẩn thận và cất ở nơi khô ráo.
Đồ trang điểm
Mỹ phẩm chăm sóc da, hóa trang thường dễ bị biến chất trong môi trường ẩm thấp. Vì vậy không nên để mỹ phẩm chăm sóc da, hóa trang trong nhà vệ sinh. Cọ, bông trang điểm cũng không nên để trong nhà vệ sinh vì dễ bị nhiễm khuẩn làm hư da mặt.
Nước hoa
Nếu để trong nhà vệ sinh quá lâu, nước hoa cũng sẽ biến thành "nước hôi". Vì nhiệt tỏa ra từ vòi hoa sen sẽ khiến nước hoa biến chất. Cách tốt nhất là sau khi sử dụng nên bỏ lại vào hộp rồi cho vào những nơi không bị ánh mặt trời chiếu đến.
Khăn mặt
Nhà vệ sinh thường ẩm thấp, không thông gió nên là môi trường phát triển cực kỳ thuận lợi cho vi khuẩn. Nếu để khăn mặt trong nhà vệ sinh sẽ bị nhiễm các vi khuẩn không tốt và làm da mặt bị nhiễm khuẩn.
Điện thoại
Điện thoại thường xuyên sử dụng tiếp xúc với tay và các vị trí da, do đó tốt nhất bạn không nên đem điện thoại vào nhà tắm.