Kích thước và hình dáng bên ngoài
Chọn củ su hào ngon nhất thường có kích cỡ từ nhỏ đến to vừa phải, tốt nhất là chọn củ có đường kính từ 7 đến 9 cm, khi cầm sẽ thấy nặng tay và củ chắc nịch chứ không bị mềm.
Nên chọn củ su hào màu xanh non, có lớp phấn mờ mờ ở trên, vỏ mỏng, đây là những củ su hào non, chưa có xơ, ăn rất ngọt. Các củ su hào to, vỏ ngả sang màu trắng là đã già, có xơ, ăn không còn ngon, ngọt nữa.
Ngoài ra, bạn nên lựa những củ còn nguyên chứ không bị sâu hoặc dập nát, khi ngửi không có mùi thối hay mùi hóa chất. Nếu thấy vỏ su hào quá láng bóng, màu sắc đậm một cách bất thường thì có thể đã bị tẩm hóa chất và thuốc kích thích tăng trưởng độc hại.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Quan sát cuống
Nếu thấy phần cuống lá trên củ còn xanh mướt và vẫn dính chặt vào củ thì chắc chắn đó là su hào tươi. Còn nếu củ không có cuống và lá thì bạn không nên mua vì có thể là su hào của Trung Quốc đã để héo lâu, mất hết chất dinh dưỡng.
Mùi vị
Su hào chất lượng sẽ có vị giòn ngon rất đặc trưng, nước luộc trong vắt và không đóng váng bên trên vì su hào ít tiết ra nước.
Su hào kém chất lượng do có tẩm hóa chất nên khi chế biến sẽ không có mùi thơm, nhiều xơ, ăn rất nhạt và mềm, tiết nhiều nước có màu đục trắng sủi bọt, để nguội thì nước luộc sẽ đen lại, có váng đọng bên trên.
Lưu ý khi ăn su hào
Mặc dù su hào có thể chữa bệnh và mang lại rất nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe người dùng nhưng tuyệt đối không nên ăn sống. Su hào ăn sống có thể gây đau bụng đối với những người đang gặp khó khăn về đường tiêu hóa, người bị đau dạ dày. Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng không nên ăn nộm su hào.
Không nên ăn quá nhiều su hào bởi nó khiến bạn hao khí tổn huyết. Su hào còn chứa Goitrogens – hợp chất có khả năng gây ra sưng tuyến giáp. Do đó, đối với những người đang mắc bệnh tuyến giáp không nên hoặc hạn chế dùng thực phẩm này.
Khi ăn su hào chúng ta nên ăn cả lá và củ chứ không nên bỏ qua lá non. Lá su hào có khả năng trị thực tích, đàm tích và mụn nhọt.