Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, đòi hỏi cơ quan quản lý cần nhanh chóng sửa đổi quy định pháp luật phù hợp thực tế.
Lợi dụng sàn TMĐT để bán hàng giả
Mới đây, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 9- Cục QLTT Hà Nội kiểm tra kho hàng tại đội 9, thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung (Đông Anh) đã phát hiện 28.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ tiện ích cá nhân… do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa lưu trữ tại kho ước tính hơn 1 tỉ đồng. Qua khai thác, chủ hàng này khai nhận, toàn bộ số hàng trong kho đều được phân phối bán hàng online trên sàn TMĐT.
Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông L’Oréal Việt Nam Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh than phiền, thời gian qua, L’Oréal Việt Nam đã phát hiện một số trang website rao bán các sản phẩm giả nhãn hiệu L’Oréal với giá chỉ bằng 1/10 so với giá hàng chính hãng.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam
Thông tin từ Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội cho thấy, trong 3 năm (từ 10/10/2020 - 10/10/2023), các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ 6.564 vụ lợi dụng TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Qua đó, phạt hành chính, truy thu thuế là 753 tỷ đồng. Trong đó, Cục QLTT Hà Nội đã xử lý 988 vụ liên quan đến lĩnh vực TMĐT, xử phạt hành chính, 13,313 tỷ đồng, bắt giữ lượng hàng vi phạm trị giá 25, 518 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, những thủ đoạn thường thấy là các đối tượng lập và sử dụng nhiều tài khoản riêng để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa thông qua livestream tại mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok. Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ kinh doanh, thường chọn nhà riêng làm điểm bán hàng vi phạm, trốn thuế…
Đối với các giao dịch trên mạng xã hội, việc chứng minh giao dịch thương mại là rất khó khăn, phức tạp. Người mua, người bán trao đổi qua tin nhắn cá nhân; hàng hóa vận chuyển qua dịch vụ vận chuyển, logistics hoặc qua đường bưu chính, thanh toán trực tuyến bằng tài khoản cá nhân.
Lực lượng chức năng TP Hà Nội bắt giữ hàng lậu lợi dụng thương mại điện tử để tiêu thụ. Ảnh: Hoài Nam
Hơn nữa, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để tìm nơi cất giấu hàng hóa, lực lượng QLTT phải phối hợp tạo lập bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm của đối tượng..
Đại diện Cục Thanh tra, kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Bùi Trung Hiếu thông tin, hiện Việt Nam có hơn 330 sàn TMĐT đang thực hiện nộp tờ khai thuế định kỳ đối với đơn vị, cá nhân người bán hàng. Nhưng thực tế kiểm tra vẫn phát hiện nhiều vụ vi phạm, sử dụng chiêu trò lách luật, trốn thuế. Cụ thể, các sàn TMĐT chưa nộp thuế cho phần doanh thu hợp tác kinh doanh; kê khai thiếu thuế nhà thầu; chi phí quản lý không đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định. Các cá nhân, đơn vị kinh doanh online có hành vi che giấu doanh thu, không kê khai đầy đủ doanh thu từ tiền mặt… để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.
Cách nào ngăn chặn hàng lậu, hàng giả?
Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể ngăn chặn hàng lậu, hàng giả lợi dụng TMĐT để kinh doanh buôn bán, đòi hỏi cơ quan quản lý quy trách nhiệm cho các sàn.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam
Tại Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong TMĐT " do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) vừa tổ chức, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN Nguyễn Phương Minh nêu rõ, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực TMĐT cần quy trách nhiệm đối với chủ sàn, chủ website trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, các sàn TMĐT cần xây dựng cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng liên thông giữa các bộ, ngành để kết nối, chia sẻ thông tin, nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn.
Đồng tình với ý kiến này, Phó trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) Phạm Công Hải nêu rõ, vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả trên không gian mạng đều gắn chặt với thanh toán điện tử. Do vậy, cần thu thập thông tin tài liệu về tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản tiền ảo, tiền kỹ thuật số… từ đó phối hợp với ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán để xác minh, làm rõ chủ tài khoản, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng để làm được điều này cần sự chung tay của các sàn TMĐT.
Lực lượng chức năng TP Hà Nội bắt giữ bánh Trung Thu nhập lậu lợi dụng thương mại điện tử để tiêu thụ.Ảnh: Hoài Nam
Tương tự, Phó Trưởng ban 389 TP Hà Nội Chu Xuân Kiên cũng kiến nghị, các Bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách quản lý hoạt động giao dịch điện tử. Theo đó, cần có cơ chế hướng dẫn, quản lý các mạng xã hội, bổ sung hệ thống tra cứu dễ dàng. Đồng thời tăng tính chịu trách nhiệm của chủ kênh/tài khoản trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi sai phạm. “Thời gian tới lực lượng chức năng TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm. Kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, các cảng cạn. Rà soát thông tin thanh toán qua các dịch vụ thu hộ của các đơn vị chuyển phát nhanh”- ông Kiên thông tin.