Sau nhiều ngày nghị án, chiều 15/3 HĐXX phiên tòa sơ thẩm TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với các bị cáo trong đường dây “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.
Cảnh sát áp giải các bị cáo về trại giam sau khi tòa tuyên án.
Theo đó, HĐXX nhận định bị cáo Nguyễn Đình Lạc Thư (SN 1975, quê Thừa Thiên - Huế, ngụ TP Hồ Chí Minh), nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Asia Pharmacy, là chủ mưu trong đường dây nên tuyên phạt mức án 20 năm tù về 2 tội nêu trên.
Đối với bị cáo Lê Văn Khôi (SN 1960, Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Đông Dương Việt, trụ sở tại huyện Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh), HĐXX tuyên phạt 12 năm tù, cao hơn so với mức đề nghị 9 - 10 năm tù của đại diện Viện KSND về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”. Ngoài hình phạt tù, 2 bị cáo còn phại nộp phạt 50 triệu đồng/bị cáo.
Các bị cáo còn lại, gồm: Nguyễn Đình Thái Dương, Nguyễn Đình Kính Như (cả 2 là em ruột của Thư), Trần Thị Châu Thanh, Thạch Đết, Nguyễn Thành Xuân, Nguyễn Đình Bảo, Dương Văn Toản bị tuyên phạt từ 3 năm tù treo đến 16 năm tù về các tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.
Theo cáo trạng, ngày 25/7/2019, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện tại hộ kinh doanh của Nguyễn Đình Lạc Thư (trên đường Hoà Bình thuộc phường 5, quận 11), Nguyễn Đình Thái Dương đang nhận 20 thùng (200 hộp/ thùng) bên trong chứa thực phẩm chức năng (TPCN) nghi giả nhãn hiệu Bảo Xuân Gold từ xe ôtô do Nguyễn Văn Thanh Tuấn lái.
Số thực phẩm chức năng giả do các đối tượng sản xuất bị lực lượng chức năng phát hiện.
Đồng thời, trong nhà lúc này còn có Thạch Đết và Trần Thị Châu Thanh đang sản xuất thuốc nghi giả nhãn hiệu B.A.R. Cùng lúc này, lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện tại Công ty TNHH Dược phẩm Đông Dược Việt do Lê Văn Khối làm Giám đốc, có địa chỉ tại huyện Bình Chánh. Tại cơ sở trên, Lê Văn Khối, Nguyễn Thành Xuân và 4 công nhân khác đang sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó có 2.000 hộp TPCN nghi giả nhãn hiệu Bảo Xuân.
Tiếp đó, Công an khám xét thêm 6 địa điểm liên quan ở các quận 8, 10, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân, phát hiện và thu giữ nhiều phương tiện, dụng cụ, nguyên liệu dùng để sản xuất hàng giả.
Đại diện các hãng dược là chủ sỡ hữu của các nhãn hiệu thuốc mà nghi Thư làm giả đều xác định toàn bộ thuốc tân dược và TPCN là tang vật thu giữ tại các điểm kinh doanh của Thư đều là hàng giả, không phải là hàng do các hãng dược sản xuất.
Một nghi can trong đường dây sản xuất thuốc giả.
Quá trình điều tra, Thư khai nhận bắt đầu tổ chức sản xuất và buôn bán thuốc tân dược giả và TPCN giả từ tháng 2/2018. Thư là người cầm đầu tổ chức, mua các nguyên liệu rồi thuê Nguyễn Đình Thái Dương, Nguyễn Đình Kính Như (cả hai là em ruột Thư), Thạch Đết (vợ Như) và Trần Thị Châu Thanh sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả nhãn hiệu B.A.R., cốm Xitrina.
Thư còn đặt hàng cho Lê Văn Khối sản xuất TPCN giả các nhãn hiệu Bảo Xuân Gold, Bảo Xuân 50, ME21, Sâm nhung bổ thận Trung ương 3… để bán kiếm lời. Tổng cộng, Thư đã sản xuất, buôn bán số thuốc tân dược giả tương đương trị giá hàng thật là gần 40 triệu đồng. Sản xuất, buôn bán hàng TPCN giả tương đương với hàng thật gần 1,9 tỉ đồng.
Sau đó, Thư đem nhiều loại TPCN và thuốc tây giả đem bán cho Nguyễn Đình Bảo, Dương Văn Toản, Trung tâm Dược phẩm và trang thiết bị y tế quận 10 và một số khu vực ở các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Những loại thuốc, TPCN do nhóm tội phạm này sản xuất được bày bán ngoài thị trường với giá từ 38.000 - 95.000 đồng/ hộp hoặc chai (rẻ hơn nhiều so với sản phẩm thật).