Theo ghi nhận tại khu vực Tây nguyên như: Tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, …càng gần những vùng trồng hồ tiêu, cà phê, số lượng các nhãn hàng phân bón càng nhiều. Mỗi cửa hàng có hàng trăm nhãn hàng đến mức người bán cũng không thể nhớ hết. Trong khi đó, khách mua chỉ lựa chọn dựa trên bao bì sản phẩm.
Cũng theo nhận định của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, công nghệ sản xuất phân bón ở Việt Nam đa số lạc hậu. Nhiều doanh nghiệp chỉ dùng cuốc xẻng để sản xuất. Chính vì sản xuất dễ thế nên hàng ngàn loại phân bón đã ra đời. Điều đó càng đẩy người tiêu dùng vào sâu hơn 'ma trận' của thị trường phân bón.
Mới đây, tại hội thảo “Phân bón giả - tác hại thật” đã diễn ra tại TP Vũng Tàu. Ông Đỗ Thanh Lam, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cũng thừa nhận tình trạng phân bón giả, kém chất lượng biểu hiện ở việc ghi nhãn mác mập mờ, “sản xuất bằng cuốc, xẻng mà ghi là công nghệ Mỹ”.
Hiện có đến 50% phân bón trên thị trường không đạ chỉ tiêu chất lượng như đã đăng ký |
Còn theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa - giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới - cho biết: một trong những nguyên nhân để cho thực trạng phân bón giả hoành hành là do cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý chưa có những cải cách triệt để. Ví dụ như chưa quy định cụ thể phân bón kém chất lượng bao nhiêu phần trăm là thành phân bón giả.
Thực tế cho thấy, những người làm phân bón giả sẵn sàng nộp phạt vì tiền thu lợi từ bán phân bón giả cao gấp nhiều lần so với tiền phạt. Và trên thực tế những năm gần đây, qua kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phát hiện có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.
Vì vậy, TS Nghĩa khuyên bà con nông dân khi mua và sử dụng phải lưu lại hóa đơn, bao bì, không nên bón hết lượng phân mua mà nên để lại một ít cùng bao bì, nhãn mác để khi xảy ra sự cố có bằng chứng.