Thứ 6, 22/11/2024, 13:30 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Những 'mánh vặt tiền’ của thợ điều hòa bạn cần biết để tránh mất tiền oan

Những 'mánh vặt tiền’ của thợ điều hòa bạn cần biết để tránh mất tiền oan
(Tieudung.vn) - Trong quá trình lắp đặt, bảo dưỡng hay sửa chữa điều hòa, người thợ thường dùng đủ loại “mánh khóe” để "vặt" tiền khách hàng.

Do nắm bắt được điểm yếu của người dân về việc không có chuyên môn, kiến thức nên trong quá trình lắp đặt, sửa chữa hay bảo dưỡng điều hòa, ngoài tiền công, thợ điều hòa còn có những chiêu trò riêng để “móc túi” khách hàng. Số tiền khách hàng bị “móc” không hề nhỏ, có khi lên đến cả triệu đồng.

Mùa hè là thời điểm nhiều gia đình lắp đặt, sửa chữa hoặc bảo dưỡng điều hòa. Tuy nhiên có thể thấy, rất nhiều người đã phải lên mạng than phiền về việc mình bị “vặt” thêm tiền ngoài tiền công sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt. Tuy nhiên, vì không hiểu biết nên hầu hết những người này chỉ biết than và “cắn răng chấp nhận”.

Chị Nguyễn Hoàng Linh (Trần Duy Hưng – Cầu Giấy – Hà Nội) là một trong số những người “than” mình bị "móc túi" khi bảo dưỡng điều hòa nhưng không biết phải làm sao. Theo đó, vừa qua chị Linh đã bảo dưỡng chiếc điều hòa của gia đình theo chu kì một năm bảo dưỡng một lần.

Nếu như năm trước, chị Linh bảo dưỡng chỉ hết tối đa 500.000 đồng thì năm nay, ngoài tiền công thợ đã thỏa thuận trước đó, số tiền vật tư mà người thợ liệt kê ra cho chị Linh sau khi bảo dưỡng xong lên đến gần 1 triệu đồng. Vì không biết gì về điều hòa nên chị Linh cũng chỉ biết lên mạng xã hội facebook “than” với mọi người.  

Mô tả ảnh
 Do không có nhiều kiến thức và am hiểu về điều hòa nên chị Linh đã bị thợ sửa điều hòa "móc túi" bằng việc đội giá linh kiện.

Sau dòng trạng thái của chị Linh về việc số tiền bảo dưỡng điều hòa tăng lên gấp bội, nhiều người bạn của chị cũng “giật mình” và chia sẻ các sự việc tương tự.

Trong đó, một số ít người có am hiểu về sửa chữa điều hòa lên tiếng cho rằng, chị Linh đã bị thợ điều hòa lấy giá đắt một vài linh kiện. Chẳng hạn như, áp tô mát chị Linh đã bị thợ sửa điều hòa lấy giá gấp đôi, hay như dây băng keo non người thợ lấy giá 8.000 đồng/mét, theo nhiều bạn của chị Linh là quá đắt.

Cũng tương tự như chị Linh, chị Hoàng Thị Dụ (phố Giáp Bát – Hoàng Mai – Hà Nội) vừa qua có mua một chiếc điều hòa và thuê thợ về lắp đặt. Tuy nhiên, ngoài tiền công trọn gói trả cho thợ lắt đặt thì chị Dụ phải trả thêm hơn 1.000.000 đồng tiền dây, tiền ống đồng và các vật liệu phát sinh khác. Tuy nhiên, vì là không biết gì về điều hòa nên thợ nói phát sinh bao nhiêu chị Dụ vẫn phải nghe theo và trả đầy đủ số tiền do người thợ chỉ định.

“Đầu tiên tôi cứ nghĩ lắp đặt trọn gói là sẽ không phát sinh nữa. Tuy nhiên, trong quá trình lắp đặt, anh thợ nói là đường dây nhà tôi hơi dài nên phải nối thêm, nên phát sinh đường dây và ống đồng. Tôi cứ nghĩ chỉ phát sinh thêm 100.000 – 200.000 đồng là cùng, không ngờ con số lên đến 1.085.000 đồng. Vì là cũng không biết gì về điều hòa nên thợ họ nói sao chỉ biết nghe vậy”, chị Dụ cho biết.

Mô tả ảnh
 Mọi người nên cẩn trọng với "mánh vặt tiền" của những người thợ điều hòa. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam về vấn đề này, anh Nguyễn Thái Hòa, chủ cửa hàng bảo dưỡng, sửa chữa và lắp đặt điều hòa tại Trung Văn – Nam Từ Liêm tiết lộ, mức độ "vặt" tiền ít hay nhiều tùy thuộc vào mỗi thợ và vào chính khách hàng. Bởi người thợ trong quá trình lắp đặt sẽ dựa vào sự hiểu biết của khách hàng về điều hòa mà có thể “vặt” ít hay nhiều. Nếu là nam giới, số tiền sẽ hạn chế hơn, còn là nữ giới, nhất là sinh viên, số tiền có thể lên đến vài triệu đồng. Và người thợ điều hòa có thể “vặt tiền” ở bất cứ dịch vụ nào từ lắp đặt, bảo dưỡng cho đến sửa chữa với những lý do rất hợp lý và đơn giản.

Theo đó, anh Hòa cho rằng, lắp điều hòa là dịch vụ mà người thợ dễ dàng “vặt tiền” khách hàng nhất. Ngoài tiền công trọn gói lắp đặt cho mỗi chiếc điều hòa dao động từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng thì khách hàng thường phải trả thêm những khoản phụ kiện phát sinh.

“Tiền phụ kiện được tính theo mét, do đó, vị trí từ dàn lạnh đến dàn nóng càng xa thì tiền phụ kiện càng tốn. Chẳng hạn, nếu khoảng cách là 3 mét dây nhưng thợ sửa điều hòa có thể khai báo và dùng đến 5 mét dây. Như vậy, họ đã ăn gian được 2 mét dây ống đồng mà chủ nhà sẽ rất khó phát hiện. Mỗi mét dây phát sinh thì người thợ điều hòa cũng ăn gian được thêm chừng 250.000 đồng”, anh Hòa nói.

Tiếp đến, anh Hòa cũng khuyến cáo, hiện tại, rất nhiều thợ sửa chữa điều hòa đã dùng "mánh khóe" trong việc báo hỏng linh kiện. Có thể linh kiện chưa hỏng nhưng họ vẫn báo hỏng, hoặc hỏng 1 báo là 2,3. Như vậy, người thợ sẽ dễ dàng thay linh kiện của họ và báo giá lên cao hơn giá nhập nhiều lần. Hơn nữa, nếu người dân không để ý thì thợ sửa điều hòa còn trà trộn linh kiện kém chất lượng, dễ khiến điều hòa bị hỏng trong một thời gian ngắn.

Liên quan đến vấn đề bảo dưỡng, anh Hòa cho biết, khi bảo dưỡng, điều hòa sẽ phải bơm thêm gas và đây là điểm để thợ điều hòa “vặt tiền” của khách. Bởi thông thường, khi bơm gas sẽ tùy vào mức của máy cần bơm ít hay nhiều, từ đó thợ tính tiền gas mà khách phải trả.

“Bơm đầy bình gas hết khoảng 200.000 đồng, tuy nhiên nhiều khi trong quá trình bảo dưỡng, bình gas điều hòa nhà bạn lượng gas hao chưa nhiều, chỉ 1/3 hay ½ bình nhưng thợ sửa vẫn báo bơm đầy bình và thu 200.000 đồng”, anh Hòa nhấn mạnh.

Do đa phần khách hàng không hiểu về kỹ thuật, nên việc phát hiện ra thợ sửa điều hòa “vặt tiền” là rất khó. Do vậy, để hạn chế tối đa nhất việc bị móc túi khi lắp đặt, bảo dưỡng và sửa chữa điều hòa, anh Hòa khuyến cáo mọi người nên trang bị cho mình những kiến thức nhất định, hoặc nhờ người am hiểu theo dõi giúp quá trình thợ sửa chữa.

Tags:
3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.48252 sec| 836.961 kb