Thứ 2, 07/10/2024, 11:21 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Chiêu trò móc túi khách hàng của thợ bão dưỡng điều hòa

Chiêu trò móc túi khách hàng của thợ bão dưỡng điều hòa
(Tieudung.vn) - Nếu không tinh ý người tiêu dùng sẽ dễ rơi vào mánh móc túi của thợ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa nhiệt độ.

Tránh sự kiểm tra

Thứ nhất thợ thường đến muộn hơn so với lịch hẹn này nhằm tạo tâm lý sốt ruột và vội vàng cho chủ nhà để thợ sửa điều hòa dễ bề thực hiện các hành vi gian lận. Trong quá trình sửa chữa, họ có thể sẽ yêu cầu chủ nhà đi lấy cho họ một số thứ gì đó để phục vụ việc thay, sửa chữa, kiểm tra điều hòa không khí. Bởi vậy, bạn đừng bất cẩn cho thợ sửa điều hòa có cơ hội tận dụng thời gian bạn vắng mặt để giả vờ đã thay thế sửa chữa nhưng thực chất là chưa.

Biện lý do hỏng hóc

Nếu chỉ bảo dưỡng, vệ sinh điều hòa, thợ sẽ không “móc” được túi khách hàng, vì thế họ cần phải biện lý do hỏng hóc để kiếm chác. Các hỏng hóc được thợ sử dụng là dây đồng tiếp gas bị nứt, chất lượng dây đồng kém an toàn nên phải thay thế, van gas hở hoặc tấm vi mạch bị chết, tụ bị hỏng… Để phòng ngừa, bạn cần tìm hiểu về điều hòa, và nếu chưa chắc chắn thì không vội vàng để thợ sửa chữa, thay thế ngay.

Đây được coi là chiêu thường được áp dụng nhất khi thay dây đồng và ống dẫn. Chẳng hạn trong trường hợp bạn mua điều hòa mới về lắp đặt mà không có sẵn dây đồng dẫn gas thì thợ điều hòa sẽ mua và lắp đặt. Độ dài thực tế chỉ có 4m nhưng thợ khi tính tiền số mét dây đồng đã lắp đặt thì thợ điều hòa lại tính thành 5m. Để không bị thợ ăn gian, bạn phải kiểm tra lại số đo này.

mánh khóe móc tiền của thợ điện lạnh
 

Chặt chém, ăn chênh giá

Mua giá thấp nhưng khi lắp đặt lại nói giá cao nhằm hưởng tiền chênh lệch cũng là một mánh lời của thợ. Ví dụ thay 1 cái tụ, thợ có thể lấy tới 400.000 đồng bao gồm 150.000 đồng tiền công thay và 250.000 đồng mua tụ. Nhưng thực tế, giá cái tụ này chỉ bán có 30.000 đồng. Vì vậy, để không bị “hớ”, hãy tham khảo giá mặc cả rõ với thợ trước khi thay thế hoặc yêu cầu công ty sửa chữa cung cấp bảng giá cho bạn.

Đề nghị đem về sửa

Nhiều thợ đề nghị được đem máy hoặc bộ phận hỏng về công ty để kiểm tra. Ví dụ thợ sẽ báo là tấm vi mạch bị hỏng, cần mang về kiểm tra và đưa ra 2 tình huống, nếu nạp nguồn xong vi mạch còn chạy thì chỉ mất công sửa, nhưng nếu vi mạch không lên được thì phải thay thế. Tuy nhiên, với chiêu này, nhiều thợ không chỉ moi thêm tiền của khách mà còn đổi bộ nguồn kém chất lượng hoặc lấy mất tụ cảm biến... Vì thế, ngoài việc chọn đơn vị tin cậy, bạn còn cần theo dõi, nắm sát lỗi và kết quả sửa chữa.

Bơm thiếu gas

Đây là mánh phổ biến và được sử dụng nhiều nhất. Gas của máy điều hòa sẽ còn hoặc hết sạch chứ không phải hao hụt cần châm thêm như nhiều thợ giải thích. Khi gas bị xì hết, thợ cần tìm và xử lý mối gây rò rỉ, sau đó nạp lại gas.

Thông thường thợ sửa điều hòa sẽ gian lận như một số cây xăng vẫn làm. Ví dụ, bạn mua 50.000 tiền xăng nhưng thực chất bạn chỉ được bơm 35.000 – 45.000 tiền xăng mà thôi. Do vậy bạn cần phải kiểm tra lúc bơm gas, thông thường quy trình nạp khí gas cho điều hòa mất khoảng 10 phút, tiêu chuẩn sạc đầy gas là phải đạt gần bằng 0,8. Đặc biệt, bạn cần chú ý vì thợ sửa chữa điều hòa sau khi nạp gas xong thường dùng mỏ hàn lại dây đồng một cách cẩu thả nên chỉ trong một thời gian, máy lại bị rò rỉ gas. Sau đó, máy lại rơi vào tình trạng hoạt động kém vì gas đã bị xì hết ra ngoài theo lỗ thủng.

Trong trường hợp bị thợ sửa chữa báo điều hòa hết gas, bạn nên chú ý kiểm tra những điểm sau: Nếu bị xì hết gas hoặc nếu bị thiếu gas thì máy sẽ kém lạnh, có hiện tượng bám tuyết ngay van ống nhỏ của dàn nóng. Dòng điện hoạt động thấp hơn dòng định mức ghi trên máy. Trong một số máy điều hòa không khí, khi bị thiếu gas board điều khiển sẽ tự động tắt máy sau khoảng 5-10 phút và báo lỗi trên dàn lạnh.

cách móc tiền của thợ điện lạnh
 

Để bảo dưỡng điều hòa đúng cách

Giống như con người, sau thời gian dài hoạt động máy móc cũng cần được nghỉ ngơi, bảo dưỡng để có thể hoạt động tốt vào mùa vụ sau. Vì vậy trước mỗi mùa sử dụng cao điểm, chúng nên được bảo dưỡng để đảm bảo công suất hoạt động và tránh hao phí điện năng trong quá trình sử dụng. Tại Việt Nam, đặc biệt là phía Bắc, nhu cầu sử dụng điều hòa vào mùa hè đặc biệt tăng cao nên thời điểm tốt nhất để bảo dưỡng chính là dịp tháng 3 - 4 (nếu "bỏ qua" dịp này, các dịch vụ bảo dưỡng sẽ không được như ý, giá tăng cả về công thợ và phụ kiện). Số lần bảo dưỡng sẽ tùy thuộc vào môi trường nơi sử dụng và tần suất sử dụng trong năm, nhưng theo các chuyên gia về điện lạnh thì nên bảo dưỡng điều hòa từ 1 - 2 lần mỗi năm.

Quy trình bảo dưỡng điều hòa sẽ gồm các thao tác vệ sinh máy (lưới lọc bụi, khoang chứa cánh quạt, màng chứa nước ngưng cục lạnh…), kiểm tra tình trạng bên ngoài của dàn nóng/lạnh (vỏ máy), các điểm nối điện, kiểm tra khả năng lưu thông gió của dàn nóng/lạnh. Ngoài ra sẽ kiểm tra độ lạnh, tiếng ồn, độ rung động khác thường của máy nén, áp suất ga trong máy và so sánh với trị số cho phép. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể làm tại nhà những công đoạn giản mà không cần thiết tới dịch vụ bảo dưỡng.

Để đảm bảo an toàn, tắt hết nguồn điện cung cấp cho điều hòa, tiến hành kiểm tra cục nóng và lạnh bên trong/ ngoài nhà để đảm bảo không có vật cản nào bên trong máy (bọ hoặc côn trùng chết).

Kiểm tra dây nối điện không bị nối và chạm, chập

Vệ sinh lưới lọc bụi cho cả dàn nóng và lạnh theo các bước tháo mở trong sách hướng dẫn. Đôi khi điều hòa hoạt động kém hiệu quả cũng có thể bắt nguồn từ các lưới lọc bụi bị bít kín. Tháo lớp vỏ dàn lạnh, sẽ bắt gặp ngay hệ thống lưới lọc bụi, bạn dễ dàng gỡ lớp màng này ra, rũ sạch và có thể giặt phơi khô do được làm bằng nhựa hoặc loại sợi đặc biệt nên có thể chịu được nước và xà phòng. Với dàn nóng bên ngoài cũng vậy, bên ngoài quạt và lốc máy là hệ thống lưới bảo vệ, tuy thưa những cũng nên được làm sạch thường xuyên, tránh những vật cản không mong muốn, làm giảm công suất của máy. Cuối cùng đóng aptomat nguồn, bật máy chạy thử. Nếu phát hiện có tiếng động lạ thì cần ngắt điện để tìm rõ nguyên nhân. Nếu không thể tự giải quyết, bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của thợ kỹ thuật có chuyên môn.

Trong trường hợp thuê thợ

Theo khuyến cáo của chuyên gia điện lạnh, nếu không tự bảo trì tại nhà mà phải cần đến dịch vụ thì khi tiến hành, chủ nhà cần giám sát chặt chẽ quá trình tháo lắp các thiết bị của sản phẩm để tránh tình trạng tráo đổi đồ, làm hỏng gãy thiết bị hoặc chỉ vệ sinh, không kiểm tra thông số mà vẫn tính tiền công. Về vấn đề nạp gas, phải biết chính xác mức gas đang còn trong máy rồi hãy quyết định có nạp hay không. Chỉ số này không thể đánh giá bằng cảm nhận hoặc thời gian sử dụng mà phải dùng máy đo áp suất gas có đồng hồ hiển thị.

Tags:
4.7 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
2.10065 sec| 809.625 kb