Ăn, uống mỹ phẩm để chứng minh sự an toàn
Trên trang facebook có tên “Chị An Nhiên - Chuyên trà thảo mộc gia truyền trị mụn” thời gian vừa qua đã đăng tải 2 clip với nội dung ăn và uống mỹ phẩm gây sửng sốt cho không ít người xem. Một trong số hai người phụ nữ trong các clip trên là diễn viên khá quen mặt đối với nhiều khán giả.
Ảnh chụp màn hình clip “ăn” mỹ phẩm của một diễn viên được đăng tải. |
Theo đó, người này đã dùng hỗn hợp mặt nạ thảo dược An Nhiên được quảng cáo là có công dụng “trị mụn” để hòa với sữa chua rồi ăn. Tuy nhiên, chỉ cần để ý kỹ cũng có thể nhận thấy cô nàng này mới chỉ dùng đầu lưỡi để khẽ chạm vào chiếc thìa còn dính lại một lượng rất ít hỗn hợp trên nhưng ngay sau đó đã vội vàng kết luận rằng “sản phẩm này hoàn toàn có thể ăn được”.
Không cần giải thích thì ai cũng hiểu mục đích của clip này nhằm làm cho khán giả tin rằng, mỹ phẩm An Nhiên rất an toàn. Thế nhưng ngược lại, cũng không ít người xem tỏ ra e ngại về tính khách quan của các clip trên khi “kết luận mỹ phẩm an toàn” được đưa ra bởi một người không có chuyên môn trong lĩnh vực y tế.
Thổi phồng công dụng mỹ phẩm như thuốc?
Hình ảnh quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm An Nhiên. |
Cũng trên trang facebook mà PV vừa đề cập, sản phẩm mặt nạ An Nhiên cũng được quảng cáo có công dụng “trị mụn” thần kỳ như thuốc. Để tăng sức nặng cho việc này, trang facebook đó cũng đưa ra con số hơn 40.000 người đã được điều trị mụn thành công nhờ việc sử dụng các sản phẩm của An Nhiên như mặt nạ hay trà thảo mộc. Thậm chí, hình ảnh kiểm định chất lượng vi sinh của các sản phẩm cũng được đưa lên.
Vấn đề được đặt ra ở đây đó là dựa vào cơ sở nào mà trang facebook này lại có thể đưa ra con số 40.000 người đã điều trị khỏi? Rút cuộc các sản phẩm của An Nhiên là mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng? Nếu căn cứ theo thông tư mà Bộ Y tế đã có hiệu lực thi hành từ 1/4/2011 thì “mỹ phẩm không có tác dụng trị bệnh” giống như những gì An Nhiên đang quảng cáo cho các sản phẩm của mình. Sự mập mờ, không rõ ràng này đã khiến rất nhiều người không khỏi thắc mắc và đặt ra nghi vấn các sản phẩm được quảng cáo với công dụng như một “thần dược” kia không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành là có cơ sở.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.