Một số hóa mỹ phẩm được Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị thu giữ.
Từ một vài trường hợp cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề do sử dụng kem làm trắng da, với sự hỗ trợ của các bác sĩ chuyên ngành da liễu; của Trung tâm Kiểm nghiệm Mỹ phẩm, Dược phẩm (Sở Y tế TPHCM) và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, Infonet đã khám phá được một mảng tối hiểm nguy của thị trường mỹ phẩm làm trắng da với những bí mật động trời, khiến bất kỳ phụ nữ nào thích làm đẹp cũng phải bàng hoàng!
Các loại mỹ phẩm trôi nổi, không nhãn mác, không tên tuổi gây độc hại đã đành, các “ông lớn” trong ngành mỹ phẩm cũng không hề chờn tay khi bổ sung nhiều độc chất cho da trong sản phẩm, miễn sao giúp các thượng đế làm trắng một cách cấp tốc nhất để hàng của mình bán được chạy và thu lợi về nhiều nhất!
Bổ sung các chất độc hại cho da, các chất cấm dùng trong mỹ phẩm; thiếu hụt trọng lượng trong từng sản phẩm… là những sai phạm phổ biến của một số nhà sản xuất mỹ phẩm làm trắng da có tên tuổi và có sản lượng bán ra rất lớn trên thị trường.
Infonet sẽ lần lượt “điểm mặt chỉ tên” những “tên tuổi” này trong loạt bài viết: “Mỹ phẩm làm trắng - vũ khí hủy diệt da!”, khởi đăng bắt đầu từ hôm nay.
Kỳ 1: Nguy hiểm bắt đầu từ những hũ kem rẻ tiền
Tại các chợ như Tân Định, Kim Biên (TP.HCM), không khó để mua được những sản phẩm làm trắng da siêu tốc chỉ có giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng, thậm chí người tiêu dùng còn có thể mua nguyên liệu tự chế kem trắng da một cách dễ dàng.
Khi được hỏi muốn mua kem làm trắng da, chị M., chủ một sạp hàng mỹ phẩm tại chợ Tân Định nhiệt tình giới thiệu các loại kem trắng da, trị nám chỉ có giá khoảng 55.000 đồng.
Chị cho biết: “Ít tiền thì dùng loại này cũng tốt lắm, hàng công ty đó, kem trộn của Việt Nam thôi nhưng đảm bảo trắng trong 1 tuần. Nếu em muốn dùng loại mắc tiền hơn thì mua hàng ngoại nè, chỉ hơn trăm ngàn thôi, hàng nhập đó”.
“Hàng ngoại” được chị chủ sạp hàng giới thiệu là một hũ kem được dán mác một hãng khá có tên tuổi của nước ngoài nhưng đóng trong một vỏ hộp sơ sài cũ nát, không có hướng dẫn sử dụng.
Ngồi kế bên, chị V. đang lựa chọn mua hàng thủng thẳng cho biết: “Sao phải tốn tiền vậy, mua loại kem Thái tôi đang dùng nè, có 8.000 đồng/hũ thôi, da trắng hồng luôn, đẹp lắm. Nhà tôi ở tuốt Cần Giờ vậy mà vẫn phải chạy lên chợ này để mua đó. Mỗi lần tôi mua cả chục hũ xài dần vì hũ nhỏ xíu, dùng có một tháng là hết rồi”.
Đó là hộp kem nhỏ, trên bao bì không có tiếng Việt, được chủ sạp hàng giới thiệu là kem trắng da vitamin E có chiết xuất ngọc trai, hàng nhập từ Thái Lan, dùng rất tốt mà giá lại siêu rẻ nên được rất nhiều người tìm mua.
Có thể dễ dàng mua các nguyên liệu rẻ tiền này ở các chợ của TPHCM để tự làm kem trộn |
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tự làm kem trộn, chị chủ sạp hàng sau một lúc tần ngần, hỏi đi hỏi lại xem làm kem trộn để dùng hay để bán rồi mới đưa ra một loạt nguyên liệu bao gồm kem dưỡng Muôn Thuở, Thanh Thảo, Thanh Hiền, Zale, Rojzy Jiali, kem One, Emoon, vài loại kem Xù (trên bao bì kem có hình cô gái tóc xù)… và cả một tuýp Fluocinonide Ointment xuất xứ từ Trung Quốc – một loại thuốc mỡ có chứa corticoid có hoạt lực mạnh. Tất cả các nguyên liệu này đều có giá cực rẻ, chỉ từ 4.000 đồng – 8.000 đồng/hộp.
Tại chợ Kim Biên, các loại nguyên liệu, hóa chất dùng để chế mỹ phẩm được bán công khai. Các bịch bột đủ màu cùng hóa chất mỹ phẩm được đựng trong thùng nhựa và túi nylon… Hầu hết sản phẩm đều không rõ xuất xứ, ngày tháng sản xuất mà được ghi tên ngay ngoài bao bì.
Giới thiệu những loại chất làm kem cho người mua, một chủ sạp cho biết, khách chủ yếu chọn các chất aspirin, oxy, flucinar, hạt tạo hương thơm… để làm mỹ phẩm. Giá những chất này dao động hơn 100.000 đồng/lít, mỗi lít nguyên liệu có thể cho ra cả chục hộp kem trộn tự chế. Chủ sạp hàng này cho biết, phần lớn người mua đều là học sinh, sinh viên, muốn tự trộn kem cho rẻ và trắng nhanh.
Ngoài nguyên liệu, chợ hóa chất lớn bậc nhất Sài Gòn cũng bán nhiều sản phẩm làm đẹp có sẵn giá siêu rẻ như kem kích trắng hương dâu giá 100.000-150.000 đồng một hũ nhỏ, kem bôi mặt giá 80.000-120.000 đồng… Một chủ quầy nằm trong chợ Kim Biên khẳng định: “Kem body (toàn thân) nhập từ Hàn Quốc, kem face (bôi mặt) Thái Lan khi dùng sẽ không bị kích ứng da, trắng nhanh trong 1-2 tuần”. Tuy nhiên, trên bao bì, nhãn mác sản phẩm không có một bất cứ thông tin liên quan nào đến xuất xứ, dù là hàng "nhập ngoại".
Phần lớn người mua ít quan tâm đến các tác hại mà chỉ có mục tiêu duy nhất là cải thiện tình trạng làn da. P.L, sinh viên ĐH Nông lâm TP.HCM vừa mua một hũ kem bôi mặt giá 80.000 đồng cho biết: “Da mình dễ bắt nắng nên lúc nào cũng đen dù đã dùng kem chống nắng, vì thế mình muốn dùng kem kích cho trắng hơn. Bạn mình dùng kem này rồi, thấy da trắng hơn hẳn”.
Theo bác sĩ da liễu Cẩm Anh, kem trộn gồm nhiều thành phần trộn lại với nhau, không được kiểm định nên bất kỳ thành phần nào trong kem trộn cũng có thể gây kích ứng, làm da trở nên đỏ, sưng nề và ngứa.
Ngoài ra, những loại kem bôi dưỡng da như Muôn Thuở, kem Xù, One, Emoon, Zale… đều là kem không rõ nguồn gốc xuất xứ có những chất như corticoid và aspirin gây tác dụng phụ nhiều nhất lên da. Trong kem Thanh Thảo thì có chứa chất Dexamethason tác dụng chống viêm, giảm viêm đỏ tức thời nhưng dùng lâu dài thì sẽ lên mụn.
Dùng kem trộn để làm trắng da, trị mụn “cấp tốc” chỉ có tác dụng tạm thời. Nếu sử dụng trong môt thời gian dài, da sẽ trở nên nhạy cảm với nắng, dễ teo da, giãn mao mạch, rạn nứt da, xuất huyết dưới da…
Có bệnh nhân còn lâm vào tình trạng rất nguy hiểm khác là lệ thuộc corticoid, nghĩa là sau khi sử dụng kem trộn có corticoid thì làn da rất khó thích ứng với sản phẩm nào khác, làm cho việc điều trị kéo dài, tốn kém.
Mời quý vị đón đọc tiếp
Kỳ 2: Nguy hiểm cả từ mỹ phẩm dán mác ngoại