Thứ 5, 21/11/2024, 22:28 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Xử lý hàng loạt vụ sản xuất mỹ phẩm bằng công nghệ "xô chậu"

Xử lý hàng loạt vụ sản xuất mỹ phẩm bằng công nghệ "xô chậu"
Liên tiếp trong thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã phát hiện, xử lý hàng loạt vụ vi phạm về mỹ phẩm. Đáng báo động có những cơ sở sản xuất mỹ phẩm theo hình thức "thủ công", "xô chậu" với hàng tấn nguyên liệu được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Các sản phẩm trên chủ yếu để phân phối cho hình thức kinh doanh online.

Trên 13.000 vụ kiểm tra về mỹ phẩm

Cùng với sự phát triển của xã hội, sự phát triển của khoa học và công nghệ, các sản phẩm hàng hóa trên thị trường ngày càng đa dạng trong đó có mặt hàng mỹ phẩm. Nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người dân ngày càng tăng cao như một nhu cầu thiết yếu với tất cả các lứa tuổi, tầng lớp trong xã hội.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm, tên mỹ phẩm khác nhau được bày bán công khai bằng nhiều hình thức khác nhau như bán lẻ trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh, các siêu thị, trên các trang thương mại điện tử, Facebook, Zalo và tại các spa. Các loại mỹ phẩm có nhiều loại không có nhãn, là hàng giả, hàng nhập lậu không đảm bảo chất lượng..

Xử lý hàng loạt vụ sản xuất mỹ phẩm bằng công nghệ "xô chậu"

Cơ quan chức năng kiểm tra kho Công ty TNHH MTV sản xuất mỹ phẩm Vương Ngọc tại An Giang

Theo báo cáo chưa đầy đủ, từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2021 lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 13.158 vụ, phát hiện xử lý 8.409 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là gần 65 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm trwn 161 tỷ đồng. Lực lượng QLTT đã thực hiện 15 vụ thanh tra, phát hiện 02 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 50 triệu đồng, giá trị hàng hóa vi phạm là trên 34 triệu đồng.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, lực lượng QLTT đã xử lý hàng loạt vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực này. Điển hình, giữa tháng 3/2021, Đội 1, Đội 2, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với thành viên Tổ công tác về thương mại điện tử Tổng cục QLTT kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ ngõ 56 đường Cầu Vồng, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm do ông Trần Đức Trường làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh của ông Trần Đức Trường đang chứa gần 50.000 sản phẩm dầu gội đầu, sáp vuốt tóc, keo xịt tóc, dưỡng tóc các loại dành cho nam giới và tem nhãn. Ông Trần Đức Trường khai nhận số hàng hóa tại hiện trường được ông mua trôi nổi không có tem nhãn thông qua mạng Facebook. Sau khi nhận hàng, cơ sở tiến hành dán tem và bán ra ngoài . Đặc biệt, cơ sở không bán tại cửa hàng theo hình thức thông thường mà thuê phòng trọ giá rẻ để bán hàng qua mạng. Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và tâm lý của người muốn mua hàng trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc, cơ sở đã sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook có tên “Trần Đức Trường” và hotline 0961835290 để giao dịch.

Xử lý hàng loạt vụ sản xuất mỹ phẩm bằng công nghệ "xô chậu"

Lực lượng chức năng thu giữ hơn 4 tấn mỹ phẩm nhập lậu tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Yên Thường (huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Đáng báo động, tại một cơ sở sản xuất ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội, lực lượng QLTT Hà Nội đã phát hiện nhiều sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa được pha chế thủ công bằng rất nhiều loại hoá chất trôi nổi đựng trong các xô, chậu. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ở Hàn Quốc, Pháp... Các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa được pha chế thủ công tại cơ sở bằng rất nhiều loại hoá chất trôi nổi khác nhau và được đựng trong các xô, chậu. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại kho hàng đang chứa số lượng lớn sản phẩm đã được chiết, rót vào các chai mang nhãn hiệu Coco Chanel. Ngoài ra, tại địa điểm này cũng phát hiện số lượng lớn sản phẩm mang nhãn hiệu Collagen X12 Olive, Pink Lady Shower... Ước tính ban đầu giá trị hàng hóa tại cơ sở lên đến hàng tỷ đồng.

Xử lý hàng loạt vụ sản xuất mỹ phẩm bằng công nghệ "xô chậu"

Hệ thống máy móc trong cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng tại Thanh Oai, Hà Nội bị phát hiện tháng 6/2021

Cùng với đó, tại Quảng Bình, ngày 19/06, lực lượng QLTT đã phối hợp với An ninh kinh tế Công an tỉnh Quảng Bình kiểm tra, phát hiện gần 1 tấn chất kem sệt, hơn 80 chai dung dịch chứa chất lỏng và hơn 2000 vỏ hộp các loại để làm các mặt hàng mỹ phẩm, trong đó có một số đã được đóng hộp thành phẩm kem dưỡng da, Se cum…Tất cả số nguyên liệu trên đều không rõ nhãn mác, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lô hàng thuộc sở hữu của bà Hồ Phương Lan, trú tại Khu phố 2 Phường Ba Đồn, Thị xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình.

Tiếp đến tháng 7, tại Bình Định, lực lượng QLTT đã phối hợp Công an tỉnh Bình Định kiểm tra Cửa hàng Mẹ Bảo xxx, địa chỉ: P.Ghềnh Ráng, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Kết quả kiểm tra, phát hiện 250 mỹ phẩm và 82 sản phẩm thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ trị giá trên 94 triệu đồng.

Trước đó, tại TP.HCM, lực lượng QLTT đã phối hợp với Công an TPHCM phát hiện một căn nhà không số nằm trên đường Nguyễn Thị Căn (phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, TPHCM) tập kết các loại mỹ phẩm nhập lậu có nguồn gốc xuất xứ. Đột xuất kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 5.000 hộp mỹ phẩm các loại gồm kem dưỡng da, sữa dưỡng da ốc sên, mặt nạ dưỡng da, , tinh chất dưỡng da, kem phục hồi da hư tổn... mang các nhãn hiệu ULTRA SPOT, JIM MI LIANG LI. Theo tìm hiểu, được biết đây là các thương hiệu mỹ phẩm của Trung Quốc.

Theo lời khai của các đối tượng có liên quan, chủ số hàng bị phát hiện là bà Nguyễn Thị Thu Thảo (SN 1981, ngụ quận Gò Vấp). Bước đầu, bà Thảo thừa nhận mua số mỹ phẩm Trung Quốc trên từ một số người chưa rõ lai lịch, tập kết về kho hàng để bán online và đưa vào một số cơ sở kinh doanh dịch vụ làm đẹp.

Tinh vi trong nhập lậu và chào bán sản phẩm

Hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực mỹ phẩm ngày càng hoàn thiện đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm và phù hợp với công tác quản lý mặt hàng mỹ phẩm tại các địa phương. Tổng cục QLTT thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính để kiến nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

Đặc biệt, lực lượng QLTT đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, ; phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm vẫn đang diễn ra rất phức tạp.

Xử lý hàng loạt vụ sản xuất mỹ phẩm bằng công nghệ "xô chậu"

Lực lượng chức năng kiểm tra kho mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Yên

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Chu Thị Thu Hương, thực tế trong quá trình thực hiện kiểm tra, kiểm soát trên thị trường cho thấy hiện nay tình trạng giới thiệu, quảng cáo mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng trên mạng xã hội, trang điện tử, việc kinh doanh không có cửa hàng khiến cơ quan kiểm tra gặp nhiều khó khăn do không xác định được chủ thể, không có hàng hóa để xử lý vi phạm.

Cùng với đó, hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số ngày càng đa dạng, phong phú. Nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số để kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…

“Đây là loại hình kinh doanh rất khó quản lý, kiểm soát nhất là trong bối cảnh trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số công chức Quản lý thị trường còn hạn chế chưa đồng đều hiện nay” Phó Tổng Cục trưởng chia sẻ.

Đặc biệt, hiện một số loại mỹ phẩm giả mạo nhãn hiện nhưng do không có mẫu thật, không có đại diện sở hữu nên không thể xử lý. Kinh phí trong giám định chất lượng mỹ phẩm rất hạn chế so với yêu cầu thực tế của công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trong thời gian tới lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tá tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất kinh doanh có trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm đảm bảo chất lượng ra lưu thông trên thị trường và để người tiêu dùng biết lựa chọn những sản phẩm có chất lượng. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý mỹ phẩm. Tổng cục QLTT cũng đề nghị đưa mặt hàng mỹ phẩm là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, ,tất cả hàng hóa mỹ phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường phải bắt buộc ghi số công bố mỹ phẩm trên nhãn hàng hóa.

“Trong giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước cần ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý mỹ phẩm như lưu trữ, tra cứu, thống kê, báo cáo để mang lại kết quả cao nhất”- Phó Tổng Cục trưởng Chu Thị Thu Hương đề xuất.

Đưa ra cảnh báo về tình trạng này, ông Võ Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục QLTT Quảng Bình cho rằng, bên cạnh sự can thiệp, cảnh báo, xử phạt các hành vi phạm từ các cơ quan chức năng, để hạn chế tình trạng buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thì cần hết sức cẩn trọng, chỉ nên mua tại các cửa hàng có uy tín, đừng vì ham khuyến mãi, giá rẻ mà vô tình tiếp tay cho các đối tượng bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả. Đặc biệt, khi mua hàng trên trang mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, cần lựa chọn đối tượng bán hàng uy tín để bảo đảm hiệu quả, an toàn.

Mức xử phạt đối với cá nhân buôn bán mỹ phẩm không có giá trị sử dụng, công dụng (mỹ phẩm giả) theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp mỹ phẩm giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp mỹ phẩm giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp mỹ phẩm giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp mỹ phẩm giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp mỹ phẩm giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng trong trường hợp mỹ phẩm giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm .

(Hiện hành mức phạt tiền cao nhất cho hành vi vi phạm này là từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng).

Cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như sau:

- Tịch thu tang vật là mỹ phẩm giả đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Ngoài ra, cá nhân buộc khắc phục hậu quả như sau:

- Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm.

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Tags:
4.1 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.66545 sec| 870.063 kb