Mua bán hàng qua mạng Online. Ảnh: Hải Linh |
1001 cách lừa người mua
Mới đây, cộng đồng mạng xã hội xôn xao trước clip cô gái bán quần áo trên Facebook bị khách hàng tìm đến tận nơi cho vài cái “bạt tai” vì bán hàng không trung thực, sau đó tắt điện thoại, chặn Facbook của khách hàng. Cuối cùng cô gái bán hàng online trên đã phải công khai xin lỗi và trả lại tiền cho người mua. Đây không phải là lần đầu tiên người tiêu dùng mua hàng trên mạng bị người bán lừa tiêu thụ hàng kém chất lượng, nhái nhãn mác. Mới đây, quản trị viên nhóm Facebook cộng đồng thiết bị nhà thông minh lớn tại Việt Nam với tài khoản Sơn Nguyễn phản ánh: Trên thị trường bán loa thông minh Google Home Mini được niêm yết giá 900.000 đồng/sản phẩm, nhưng trên mạng xã hội Facebook, Zalo lại rao bán với giá bằng 1/3 thị trường. Rất nhiều người ham rẻ đã đặt mua và kết cục họ nhận được loa Trung Quốc, không phải loa Google Home Mini chính hãng.
Các lực lượng chức năng khuyến cáo Bộ Công Thương cần quy định chặt chẽ loại hình kinh doanh online để bảo vệ NTD khi mua hàng qua mạng. Bên cạnh đó, người dân chỉ nên mua những sản phẩm từ những địa chỉ uy tín, nói không với hàng giả, hàng nhái. Có như vậy mới có thể loại bỏ tình trạng lợi dụng mua sắm online phát triển để lừa đảo người tiêu dùng. |
Để tìm hiểu việc mua bán qua mạng, phóng viên Kinh tế&Đô thị đã nhập vai người mua hàng. Sau khi thấy chủ tài khoản Facebook Chiến Điện Biên rao bán chim họa mi giật nhiều giải thưởng bán với giá hợp lý, phóng viên đã đặt cọc 2 triệu đồng. Nhưng mặc dù đã chuyển tiền vào tài khoản nhưng người bán không chuyển hàng, đồng thời chặn số điện thoại, Facebook... Vì khoảng cách Hà Nội đến Điện Biên quá xa, phóng viên đã chấp nhận mất tiền đặt cọc và đăng bài cảnh báo đến tất cả các thành viên tham gia CLB chim cảnh Hà Nội trên Facebook.
Khi nói về những mánh khóe lừa đảo người tiêu dùng trong quá trình mua hàng online, Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho biết: Để lừa người mua, các chủ kinh doanh trên online có nhiều chiêu trò nhưng chủ yếu tập trung vào một số cách thức nhất định. Một trong những “tai nạn” thường gặp nhất là sản phẩm nhận được khác hẳn hình ảnh giới thiệu hoặc thua xa về chất liệu, độ tinh xảo hàng mẫu. Nguyên nhân là do không ít gian thương lấy cắp ảnh từ các trang web nước ngoài hoặc ảnh thật của các shop khác để đưa ra chào hàng. Sau đó, họ đem bán cho khách hàng loại 2, loại 3 hoặc hàng nhái sản phẩm chính hãng.
Một kiểu lừa đảo mới xuất hiện khiến người mua phải chấp nhận mua sản phẩm giá cao hơn thị trường, đó là đối tượng đăng tin bán sản phẩm chỉ bằng 30 - 50% so với giá thật trên thị trường, nhưng yêu cầu người mua chuyển trước 50% giá trị tiền hàng. Sau đó điện thoại thông báo tới người mua đăng nhầm và đưa giá mới cao hoặc hơn giá trên thị trường, vì đã trót chuyển tiền nên người mua đành phải chấp nhận giá mới.
Kiểm soát không hề dễ
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức: Công tác kiểm tra,ngiám sát loại hình kinh doanh này không hề đơn giản khác hẳn phương thức thanh tra truyền thống. Để chống hàng giả, hàng nhái tiêu thụ qua cách kinh doanh truyền thống, nhà quản lý có thể tiếp cận cơ sở phân phối, bán hàng để xử lý. Nhưng với bán hàng online, cơ quan kiểm tra phải đóng giả là người mua hàng, tìm đến nơi tập kết hàng mới có thể kiểm tra, chứ không thể phát hiện qua mạng. Ngoài ra, hàng giả mẫu mã, thương hiệu Việt thường dễ xử lý, nhưng với thương hiệu nước ngoài thường khó bởi không dễ tiếp cận chủ sở hữu. Bên cạnh đó người mua hàng đa số là cá nhân không cần lấy hóa đơn, phương thức thanh toán trực tuyến lại đa dạng như thẻ VISA cá nhân, thẻ điện tử… nên việc xác định hành vi vi phạm không hề dễ dàng. Ngoài ra chủ thể hoạt động kinh doanh online sẽ dễ dàng “xóa dấu vết”, cản trở việc thu thập chứng cứ điện tử trong những trường hợp vi phạm...
Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội Phạm Bá Dục chia sẻ: Cái khó trong việc phát hiện và xử lý tình trạng này là hàng hóa mua bán trên mạng không “sờ, nắm” để kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch dạng này đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.
Để hạn chế bị lừa đảo trong quá trình mua sắm online, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân cẩn trọng với những loại hàng hóa, dịch vụ trực tuyến. Cụ thể, kiểm tra kỹ hàng hóa, dịch vụ và cơ sở bán hàng trước khi thực hiện giao dịch; khi nhận hàng cũng phải kiểm tra kỹ trước khi thanh toán tiền, tuyệt đối không trả tiền hoặc không biết rõ người bán và uy tín của họ trước khi nhận hàng hóa. Khi nghi ngờ bị lừa đảo, người dân có thể trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.