|
Kiểm tra thực phẩm tại một cửa hàng trên phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa. Ảnh: Trần Việt |
4,1% mẫu thực phẩm không an toàn
Thực hiện nhiệm vụ giám sát ATTP, từ đầu năm 2019 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã tăng cường hoạt động lấy mẫu, đánh giá chất lượng nông sản, thực phẩm; trong đó, tập trung vào các sản phẩm tươi sống. 1.412 mẫu nông lâm thủy sản đã được Chi cục lấy mẫu. Kết quả xét nghiệm 824 mẫu, cơ quan chức năng phát hiện 34 mẫu có vi phạm (chiếm 4,1% tổng số mẫu). Cụ thể, có 18 mẫu thịt không đạt chỉ tiêu vi sinh; 13 mẫu rau củ quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, và 3 mẫu thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh. Đáng lo ngại, tỷ lệ mẫu thịt và rau củ quả tươi vi phạm chỉ tiêu ATTP đều tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội còn tổ chức hậu kiểm, kiểm tra chất lượng sản phẩm tự công bố. Theo đó, trong tổng số 83 mẫu nông sản thực phẩm chế biến, vẫn có một sản phẩm nước mắm không đạt chỉ tiêu độ đạm so với công bố. |
Lĩnh vực có liên quan trực tiếp tới vấn đề ATTP là phòng chống dịch bệnh, giết mổ gia súc, gia cầm và vệ sinh thú y cũng tiềm ẩn nhiều mối lo, khi kết quả thanh tra, kiểm tra đối với 9.485 lượt cơ sở từ đầu năm 2019 đến nay, đã phát hiện tới 704 trường hợp có vi phạm. 370 trường hợp có vi phạm đã bị các cơ quan chức năng trực thuộc Sở NN&PTNT xử phạt, với tổng số tiền trên 793 triệu đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy 478 con lợn, 8.581 con gia cầm và gần 3,3 tấn sản phẩm từ thịt động vật.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Một trong những giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng mất ATTP là tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm. Dù vậy, kết quả xử lý vi phạm từ đầu năm 2019 đến nay cho thấy, công tác này dường như vẫn chưa còn có sự nương tay. Đơn cử, trong tổng số 704 trường hợp có vi phạm về phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y, có tới 235 trường hợp (chiếm 33,3% tổng số vi phạm) chỉ bị cảnh cáo, cho tiếp tục hoạt động.
Liên quan tới công tác quản lý vệ sinh ATTP, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thẳng thắn nhìn nhận: Sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn chưa thường xuyên. Việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường đã được đẩy mạnh nhưng chưa đủ quyết liệt, chủ yếu vẫn chỉ dừng ở nhắc nhở. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác quản lý ATTP nông lâm thủy sản tuyến cơ sở chủ yếu là lực lượng nhân viên thú y, bảo vệ thực vật; chuyên môn chưa phù hợp, lại thường xuyên thay đổi dẫn tới công tác quản lý, xử lý vi phạm có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa hiệu quả…
Đối với nhiệm vụ thời gian tới, ông Tường cho biết, trọng tâm vẫn là tăng cường việc lấy mẫu giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm; phát hiện sớm, xử lý kịp thời và nghiêm minh, không nương tay với các trường hợp có vi phạm. Sau xử lý, sẽ phối hợp với các địa phương thông tin rộng rãi trên các phương tiện đại chúng để người dân biết và không sử dụng. Sở cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ giết mổ gia súc, gia cầm và vệ sinh thú y. Đồng thời, hỗ trợ người nông dân từng bước chuyển đổi sang các phương thức sản xuất sạch hơn, gắn với chuỗi liên kết nông sản an toàn.