Hàng hóa tiêu cùng nhập khẩu khi lưu thông ra thị trường phải có nhãn phụ
Nhãn phụ là bắt buộc
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/42017, tại Điều 1 nói rõ nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;
Việc ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát;
Hàng hóa nhập khẩu ngoài nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm, khi đưa vào tham gia lưu thông thị trường trong nước thì pháp luật buộc nhà kinh doanh phải dán thêm một nhãn phụ.
Theo đó, nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu;
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định thì, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện, hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Đồng thời, khoản 4 Điều 9 Nghị định này yêu cầu, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định của pháp luật khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.
Như vậy, theo quy định này, pháp luật không bắt buộc hàng hóa phải thực hiện việc dán nhãn phụ trước khi nhập khẩu hoặc ngay khi nhập khẩu vào vào Việt Nam mà chỉ quy định phải dán nhãn phụ đối với các hàng hóa nhập khẩu khi đưa chúng ra lưu thông trên thị trường.
Vị trí dán nhãn phụ phải được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị 43/2017/NĐ-CP
Dán nhãn phụ thế nào
Căn cứ quy định khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Theo quy định, vị trí dán nhãn phụ được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định này. Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa, hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.
Như vậy, nếu 1 lô hàng nhập khẩu gồm nhiều bao hàng, khi chọn phương pháp dán nhãn phụ lên bao bì chứ không dán lên từng sản phẩm thì từng bao đều phải dán chứ không phải dán 1 vài bao đại diện cho nguyên lô hàng. Việc dán như vậy để khi tách lẻ ra từ lô hàng, mỗi bao hàng đều đảm bảo quy định về dán nhãn phụ.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt sẽ bị phạt tiền tương ứng với giá trị hàng hóa vi phạm. Mức phạt thấp nhất là từ 500.000 - 1.000.000 đồng, cao nhất từ 25.000.000 - 30.000.000 đồng.
Ngoài ra còn hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu hàng hóa vi phạm nhưng không áp dụng đối với trường hợp không dán nhãn phụ của hàng nhập khẩu lưu thông ra thị trường mà chỉ áp dụng đối với các hành vi như: kinh doanh hàng hóa gắn nhãn hàng hóa giả, gồm hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác,...