Cùng với sự phát triển của nghề nuôi yến, thời gian qua thị trường nước yến và các sản phẩm từ tổ yến cũng “trăm hoa đua nở”. Để cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất nước yến và các loại thực phẩm khác từ tổ yến đã mạnh miệng tuyên bố sản phẩm bán ra chứa đến một vài chục phần trăm yến nguyên chất. Tuy nhiên, đâu là sự thật phía sau các tuyên bố hùng hồn này?
Hàm lượng protein trong nước yến sào chỉ 0,054% thì không có tác dụng bồi bổ sức khoẻ!
1 hũ yến sào 70ml 15% yến tươi nguyên chất thì hàm lượng protein không thấp hơn 0,80%
Trước câu chuyện nước yến sào do một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh sản xuất được bán ra thị trường thông qua một kênh mua sắm trực tuyến “nổ” là có 15% yến nguyên chất và đăng ký công bố hàm lượng protein là 0,19% vừa bị khách hàng tố có kết quả kiểm nghiệm chỉ 0,054% protein, PV Báo Kinh tế & Đô thị đã tìm hiểu thực hư xoay quanh câu chuyện chất lượng nước yến và các sản phẩm từ tổ yến.
Ông T.A (ngụ quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), một thương nhân nhiều năm kinh nghiệm về sản xuất nước yến cho hay, hàm lượng chính trong tổ yến là protein, lysine cùng 17-18% dưỡng chất khác.
“Dù là yến nhà hay yến nuôi, thì hàm lượng protein trong tổ yến cùng sẽ ở mức 30-35%, hàm lượng lysine chiếm gần 2 %, còn yến tự nhiên ngoài đảo thì hàm lượng protein rất cao, lên tới trên 50%”, ông T.A. nói.
Theo ông T.A., giá tổ yến nuôi hiện đã ở mức chục triệu đồng/kg, như vậy nếu thực sự trong mỗi hũ nước yến chứa đến 15% yến nguyên chất, thì giá bán không thể dừng lại ở mức vài chục ngàn đồng/hũ. Do không có quy định nào buộc nhà sản xuất phải bỏ đủ 15% hoặc 20% yến vào sản phẩm thì mới được gọi là nước yến và cũng không có quy định nào về việc cứ 10 hoặc 15% hàm lượng tổ yến trong sản phẩm nước yến phải có hàm lượng protein là bao nhiêu... nên nhà sản xuất "tùy nghi" làm theo ý mình mà không sợ vi phạm.
“Với hàm lượng protein trong tổ yến khá cao như trên, thì 15% yến trong sản phẩm là sợi yến tươi, thì hàm lượng Protein cũng sẽ ở mức rất cao”, ông T. A. nhấn mạnh.
Để phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông T.A. đã lấy 10gr yến khô đem chế biến, kết quả ông thu được 45gr yến tươi. Và như vậy, cứ 45gr yến tươi sẽ cho hàm lượng khoảng 3,5% protein (tức là 1gr yến tươi sẽ cho ra khoảng 0,077% protein).
Thành phần dinh dưỡng có trong yến sào được công bố của một công ty yến sào Việt Nam
Trở lại vấn đề, nếu nhà sản xuất công bố trong sản phẩm nước yến của mình có thành phần là 15% yến nguyên chất, thì với 1 hũ nước yến có dung tích 70ml (tương đương 70gr) thì lượng yến nguyên chất sẽ phải là 10,5ml (tương đương 10,5gr yến tươi nguyên chất). Như vậy, với 10,5gr yến tươi nguyên chất sẽ cho hàm lượng protein vào khoảng 0,80% (lấy 10,5gr x 0,077 = 0,80%). Tức là 1 hũ nước yến sào 70ml 15% yến tươi nguyên chất mà nhà sản xuất công bố thì trong sản phẩm này phải chứa hàm lượng protein tối thiểu là 0,80%.
Ông T.A. khẳng định, tùy cách làm của nhà sản xuất, tỷ lệ protein trong sản phẩm nước yến có thể còn cao hơn nữa do có thể dùng hoạt chất khác cũng tạo ra protein có trong thành phần để sản xuất nước yến.
Bác sĩ dinh dưỡng nói gì?
Liên quan đến sản phẩm nước yến sào đường phèn (15% yến) được bán trực tuyến trên một kênh truyền hình vừa bị khách hàng tố chỉ chứa 0,054% hàm lượng protein, trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, Bác sĩ Phương Thùy - Khoa dinh dưỡng - Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh đánh giá, với một sản phẩm được gọi là nước yến mà nếu hàm lượng protein chỉ có 0,054% là quá thấp, gần như không có thành phần của yến trong sản phẩm này và gần như không có giá trị bồi bổ sức khoẻ.
|
Theo bác sĩ Thùy, dinh dưỡng trong bệnh lý, mà cụ thể là protein (hay còn là đạm) đóng vai trò rất là quan trọng. Xét về nhu cầu protein thì người bình thường hay người bệnh đều cần phải bổ sung mỗi ngày. Tuy nhiên, nhu cầu của người bệnh sẽ cao hơn người bình thường. Cụ thể, nếu người bình thường cần khoảng 0,8-1gam/kg/ngày, thì người bệnh cần 1 hoặc 1,5, hoặc 1,7 hoặc thậm chí 2gam/kg/ngày... tuỳ đối tượng bệnh, tuỳ loại bệnh.
“Trung bình một chén cơm lưng đã có khoảng 4-5 gam đạm, một lạng thịt/hoặc một lạng cá đã có khoảng 19-20 gam đạm, một quả trứng đã 6-7 gam đạm…như vậy các thực phẩm tự nhiên trong trường hợp này đã hơn hẳn nước yến với hàm lượng chỉ 0,054% protein. Và vì thế hàm lượng chất dinh dưỡng cũng sẽ đầy đủ hơn nhiều loại nước yến này”, Bác sĩ Thuỳ dẫn chứng.
Ngoài ra, Bác sĩ Thùy còn nhấn mạnh, khi lựa chọn thực phẩm, nếu người tiêu dùng (người bệnh) cho rằng chỉ cần uống nước yến là đã đủ hàm lượng protein cho cơ thể, thì vô tình họ sẽ cắt giảm lượng đạm trong bữa ăn hằng ngày. Và cuối cùng, không hề hay biết là mình đang ăn/uống không đủ chất, thiếu năng lượng, thiếu đạm, ảnh hưởng sức khoẻ.
|
“Hiện nay, các sản phẩm nước yến trên thị trường rất có sức hút với người tiêu dùng, dù chất lượng còn bỏ ngỏ... Do đó, về mức độ tin cậy, gần như các bác sĩ không khuyến cáo bệnh nhân của mình sử dụng các loại nước yến kiểu này như một thực phẩm cho người bệnh, bởi vì hàm lượng dinh dưỡng không đảm bảo”, Bác sĩ Thùy nói.
Tương tự, Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, đã gọi là nước yến thì trong thành phần phải có tổ yến. Tuy nhiên, hiện nay không có một quy định nào bắt buộc là trong nước yến phải đảm bảo bao nhiêu % yến. Chủ yếu, các doanh nghiệp sản xuất tự công bố sản phẩm nước yến do đơn vị mình sản xuất là: 5%, 10%, hay 15% yến…
Vì vậy, Bác sĩ Diệp khuyến cáo, uống nước yến chỉ hỗ trợ thêm cho cơ thể, thực chất nước yến không phải là thực phẩm để cung cấp năng lượng. Do đó, để đảm bảo hàm lượng protein, mọi người nên chọn ăn thịt, cá...thay vì nghĩ đến phương pháp uống nước yến.
Nước yến sào đường phèn (15% yến) hàm lượng protein chỉ có 0,054%, là hàng gi? Với sản phẩm nước yến sào đường phèn dung tích 70ml (tương đương 70gr), nhà sản xuất công bố 15% yến nguyên chất và hàm lượng protein là 0,19%, nhưng khi khách hàng mang sản phẩm đi kiểm nghiệm cho kết quả chỉ có 0,054% protein. Vậy, với những con số không thống nhất, liệu có hay không dấu hiệu sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng? Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, một cán bộ làm công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, tuy không quản lý việc nhà sản xuất cho vào sản phẩm bao nhiêu % tổ yến, nhưng cơ quan Nhà nước sẽ quản hàm lượng protein trong hồ sơ công bố của doanh nghiệp. Nhà sản xuất có quyền tự công bố và sản xuất theo hàm lượng đã công bố, song quy định đối với sản xuất thực phẩm là mọi dưỡng chất đã công bố trong hồ sơ chỉ được phép sai số thấp hơn không quá 29%. Chẳng hạn, với sản phẩm nước yến công bố hàm lượng protein là 0,19% thì doanh nghiệp phải đảm bảo tất cả hàng hóa sản xuất ra đều đạt hàm lượng protein ở mức từ 71% so với hàm lượng công bố trở lên (tức là trong khoảng 0,13%). Nếu lượng protein thấp hơn, thì được coi là sản xuất hàng giả, hàng kèm chất lượng |