Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo "Chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)” do Trung tâm Ứng dụng công nghệ khai thác Quyền sở hữu trí tuệ (IPTA) tổ chức ngày 6/6.
Nhiều hệ lụy
Hàng giả, hàng kém chất lượng mang lại nhiều hệ lụy khi ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người dân đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, gây mất uy tín cho các DN. Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, câu chuyện chống hàng giả hàng nhái, bảo vệ quyền SHTT không mới. Dù Việt Nam đã tham gia nhiều công ước về SHTT, nhưng ngay cả người làm cũng không thuộc hết nội dung, chứ chưa nói đến DN, dẫn đến nghịch lý là, Việt Nam vẫn xếp cuối trong câu chuyện bảo vệ quyền SHTT. Chưa kể khi tham gia vào FTA Việt Nam - EU, hay CPTPP có cam kết về SHTT rất cao, DN không quan tâm sẽ càng thua thiệt.
|
Đội quản lý thị trường số 17 Hà Nội thu giữ hàng giày dép không rõ nguồn gốc. Ảnh: Thanh Hải |
Theo các chuyên gia, tình trạng xâm phạm SHTT như xâm phạm tên miền, kinh doanh hàng giả qua mạng, rất khó kiểm soát. Do đó, DN cần thực hiện 2 quy tắc trong xác lập quyền SHTT: Ưu tiên người xác lập trước; Ưu tiên người sử dụng trước. Điều này nhiều quốc gia đang vận dụng. Vấn đề nữa là mỗi DN có nhiều tài sản trí tuệ, danh mục khách hàng, hệ thống thông tin khách hàng, hệ thống phân phối… những điều đó muốn bảo vệ không cần làm thủ tục xác lập quyền.
Luật đừng chạy theo sau
Theo luật, SHTT tự động được bảo vệ, nhưng với điều kiện DN phải áp dụng biện pháp bảo mật, tài sản và phải đóng dấu mật, có quy chế bảo mật. Sau này ai xâm phạm mới xử lý được. Tuy nhiên, gần 90% DN được khảo sát không nhận diện được tài sản trí tuệ và không có biện pháp bảo vệ.
"Từ những kiến nghị và đề xuất của DN, các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ nghiên cứu để từng bước hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách trong phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT. Mục đích cuối cùng là chung tay tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi cho DN và lợi ích người tiêu dùng." - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng "Trong chống hàng giả và xâm phạm SHTT, biện pháp đang được nhiều DN đánh giá cao và áp dụng là hợp tác với truyền thông. Cụ thể khi bị xâm phạm SHTT, DN lập tức mời truyền thông vào cuộc và trong chừng mực nhất định nhiều DN đã thành công bởi truyền thông có quyền lực mềm cực mạnh." - TS Võ Trí Thành |
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Thương hiệu (Đại học Thương mại), khảo sát 350 DN năm 2016, chủ yếu DN nhỏ và siêu nhỏ ở Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Nội, trong đó có 208 DN quan tâm đến bảo vệ thương hiệu, nhưng tỷ lệ rất nhỏ thực hiện hành vi; 18/208 đã và đang xác lập quyền, 1/208 có đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 17/208 DN chỉ đăng ký nhãn hiệu.
PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh chỉ ra, nói đến chống hàng giả và xâm phạm thương hiệu phải tiếp cận và thay đổi tư duy của cơ quan quản lý, các bộ phận chức năng, cộng đồng DN, cũng như người tiêu dùng. Trước hết phải đặt câu hỏi: Có điều luật nào quy định về hàng nhái không, tại sao văn bản lại thêm chữ "nhái" để làm rối người tiêu dùng. Tiếp đến là thay đổi tư duy của cộng đồng, tiêu dùng. Hiện có Nghị định 185 đưa ra định nghĩa về hàng giả mang tính liệt kê, như vậy chưa đủ, chưa theo kịp thực tế. Mà luật pháp chạy theo đời sống kinh doanh thực tế, cơ quan chức năng khó xử lý… Bên cạnh đó, nhiều DN khi bị xâm hại ngại không hợp tác với cơ quan chức năng, thì hành vi làm giả lần sau tinh vi hơn lần trước và công bố hàng giả thì người tiêu dùng không dám mua. “DN cần gia tăng các điểm tiếp xúc thương hiệu. Phải làm sao cho người tiêu dùng tiếp xúc được nhiều hơn, công bố công khai điểm bán, rà soát hệ thống phân phối để người tiêu dùng tin cậy. Nếu DN âm thầm chịu đựng, không nói ra, không gia tăng điểm tiếp xúc thương hiệu, thì tình trạng hàng giả còn phát triển mạnh” – ông Thịnh chia sẻ.