Bao bì ghi là lúa lương thực chất lượng cao nhưng lại được đóng bao rất đẹp mắt và ghi rõ ngày sản xuất và thời gian sinh trưởng. |
Tại các điểm kiểm tra, đoàn liên ngành đã phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm của các cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống như: ghi sai nhãn mác, lúa thương phẩm và lúa giống để lẫn lộn, cụ thể tại Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng Hưng Phát (huyện Thới Lai) phát hiện hai loại lúa HP.ĐT8 và N.H 9-HP, tuy tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đã in loại bao bì mới với dòng chữ “lúa lương thực chất lượng cao” bao bì không khác gì bao lúa giống nhưng đại diện cơ sở này cho rằng đó là lúa lương thực. trong khi vào tháng ba vừa qua, công an kinh tế và thanh tra Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ đã bắt quả tang đơn cơ sở này đang sản xuất 2 giống lúa nói trên, sau đó cơ quan chức năng đã lấy mẫu đi kiểm nghiệm và kết quả 2 giống lúa HP.ĐT8 và N.H 9-HP của cơ sở Hưng Phát không đạt tiêu chuẩn về lúa giống. Tuy nhiên, cơ sở này không đồng ý với kết quả đó và yêu cầu kiểm nghiệm lại nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả và lô hàng này hiện vẫn đang bị cơ quan chức năng niêm phong tại kho của cơ sở Hưng Phát. Đoàn liên ngành cũng đã lấy mẫu các loại giống lúa do cơ sở nay đóng bao, trong đó có cả hai sản phẩm “lúa lương thực chất lượng cao” HP.ĐT8 và N.H 9-HP để kiểm nghiệm chất lượng.
Kiểm tra hoạt động của cơ sở sản xuất và kinh lúa giống Đạt Nông và Bá Khem tại quận Thốt Nốt, Đoàn ghi nhận có hàng trăm tất lúa nguyên liệu chưa đóng bao như OM 9582, IR 50404…, và một số loại khác. Tình trạng nhà kho chứa lẫn lộn lúa thịt và lúa giống, quy trình kiểm tra chất lượng lỏng lẻo, tại thời điểm kiểm tra đã không xuất trình được một số giấy tờ liên quan đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh lúa giống theo Thông tư 46/2015/TT-BNNPTNT. Được biết giống lúa OM 9582 là giống lúa thuần, sản phẩm hợp tác với Viện lúa ĐBSCL của Công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Giống đã được Hội đồng Khoa học của Bộ NN&PTNT chấp thuận công nhận sản xuất thử năm 2016 và đã được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ giống cây trồng (số bằng: 15VN.2017).
Hầu hết các đơn vị, cơ sở trên đều vi phạm trong kinh doanh giống và sản phẩm giống cây trồng theo Thông tư 46/2015/TT-BNNPTNT, ban hành ngày 15/12/2015 của Bộ NN&PTNT quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy giống cây trồng…sản xuất và đóng bao lúa giống chưa đáp ứng các tiêu chí về sản xuất kinh doanh cây giống theo Thông tư 46/2015/TT-BNN&PTNT.
Thực tế kiểm tra cho thấy trên vỏ bao lúa có hình ảnh và mẫu mã rất bắt mắt nhưng lại xuất hiện những chữ viết tay, in ngày tháng thủ công rất sơ sài như: hạn sử dụng, mã số lô mà thông thường các công ty giống phải in số hoặc in phun trên bao bì. Trong khi cả một kho hàng chục tấn, thậm chí là hàng trăm tấn lúa giống, trên vỏ bao đều xuất hiện những ký hiệu như vậy. Trong khi hạt giống lúa không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ không đầy đủ,…
Theo ghi nhận của PV, những cơ sở này đã hoạt động nhiều năm, có lò sấy, máy đóng bao rất chuyên nghiệp. Trong khi đoàn kiểm tra, đại diện cơ sở Hưng Phát hầu như không lý giải được thỏa đáng tại sao lại có những tên lúa lạ như HP.ĐT8 hay N.H 9-HP và không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc thật của những bao lúa này.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản vụ việc và tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm. Cục Nghiệp vụ - Bộ Công an và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục điều tra để xử lý nghiêm những sai phạm của các đơn vị trên.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tại địa phương cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống kém chất lượng gây anh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa và gây thiệt hại cho người trồng lúa.
Bà con nông dân khi mua giống lúa cần chú ý đến bao bì và phân biệt rõ các loại giống xác nhận của các công ty giống đã được cấp bằng bảo hộ và có tên công ty và địa chỉ rõ ràng để tránh mua phải những loại giống kém chất lượng dẫn đến tiền mất tật mang.