Theo đó, sẽ xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nhằm bảo vệ môi trường biển.
Nguồn kinh phí đầu tư cho dự án sẽ lấy từ nguồn tiền bồi thường của Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh 200 tỷ và 120 tỷ còn lại do nguồn vốn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo.
Dự án này sẽ được thực hiện trong thời gian 2017 - 2019, bao gồm 5 hợp phần. Hợp phần 1 – 4 tăng cường năng lực hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biến lần lượt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Hợp phần 5 là giám sát, cảnh báo môi trường ven biển tại 4 tỉnh miền Trung thông qua hệ thống trạm quan trắc tự động, công nghệ viễn thám và kết hợp chương trình quan trắc định kỳ.
Chính phủ quyết định chi 320 tỉ đồng để khắc phục sự cố môi trường biển sau vụ Formosa |
Hiện tượng cá chết xuất hiện vào ngày 6/4/2016 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết dạt bờ, chủ yếu là loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt. Nguyên nhân chính khiến môi trường biển biến động đột ngột, cá tầng đáy chết hàng loạt. Đó là đường ống xả thải dài 1,5km, đường kính hơn một mét được chạy ngầm dưới biển.
Ngày 28/6/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, đồng thời cam kết 5 vấn đề. Thứ nhất, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng. Thứ hai, thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD)...