Enzym bồ hòn là gì?
Enzym bồ hòn là thành quả của việc ngâm quả bồ hòn với đường thô và nước sau một thời gian lên men. Nguồn ảnh: Internet
Enzym bồ hòn là thành quả của việc ngâm quả bồ hòn với đường thô và nước sau một thời gian lên men. Sau đó, dung dịch này được chế thành nước lau sàn, xà phòng giặt quần áo và nước rửa chén hay dầu gội đầu.
Ngoài bồ hòn, người ta còn kết hợp ngâm ủ cùng với vỏ dứa (khóm) hay rác từ rau củ trong quá trình nấu ăn. Tuy nhiên, tỉ lệ và trọng lượng giữa bồ hòn với các loại vỏ rau củ khác cũng được đong đếm hợp lý (bồ hòn nhiều hơn) để có được dung dịch tẩy rửa chất lượng.
Việc enzym bồ hòn có nhiều công dụng tẩy rửa hiệu quả lại an toàn và lành tính khiến hội chị em "truy lùng" khắp nơi. Bạn có thể tìm mua enzyme bồ hòn được ủ sẵn trên các trang thương mại điện tử, hay các fanpage bán hàng online cũng có nhé.
Nếu bạn là một cô nàng văn phòng bận rộn, có thể tìm mua enzym bồ hòn ngâm sẵn vừa tiện lợi lại tiết kiệm thời gian. Khi dùng chỉ cần pha với nước là được. Còn những nàng đam mê các công đoạn ngâm, ủ tỉ mẩn để chờ thành quả thì theo dõi tiếp cách làm enzym bồ hòn bên dưới nhé.
Cách ủ enzym bồ hòn
Nguyên liệu:
2 kg quả bồ hòn tách hạt
1 kg rác thải nhà bếp như vỏ dứa, vỏ chanh, vỏ cam, vỏ bưởi, thân sả…
1 kg đường hoặc mật mía
10 lít nước sạch (có thể thay thế bằng nước vo gạo sẽ thúc đẩy quá trình lên men nhanh và mạnh mẽ hơn).
Cho nguyên liệu vào thùng chứa, sau đó pha đường vào nước theo đúng tỉ lệ nguyên liệu như trên rồi đổ vào thùng đã cho sẵn phế phẩm thực phẩm.
Đóng nắp để vào nơi khô ráo và thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
Trong 10 ngày đầu, bạn cần mở nắp thùng chứa 1-2 lần mỗi ngày để áp lực hơi được giải phòng khỏi thùng chứa (nhớ vặn nắp từ từ để khí xì ra dần dần, đừng mở nắp nhanh quá mà có thể gây ra hiện tượng bật nắp hoặc trào bọt) và dùng một chiếc que để đẩy phần bã nổi lên chìm xuống. Những ngày sau bạn chỉ cần thỉnh thoảng mở nắp.
Không cho phế phẩm quá đầy thùng chứa, tỉ lệ đúng là 2 phần không khí và 8 phần hỗn hợp để quá trình lên men được diễn ra thuận lợi.
Trong tháng đầu tiên khí sẽ có mùi cồn, tháng thứ 2 sẽ có mùi chua chua như mùi dấm, đó là hiện tượng bình thường. Màu sắc lý tưởng của enzym bồ hòn là màu nâu sẫm.
Sau 3 tháng tách phần bã, phần nước chiết vào chai đóng kín dùng dần. Tiếp tục cho thêm 1 kg đường và 10 lít nước ngâm ủ lần thứ 2, sau 3 tháng chiết phần nước ra đóng chai tiếp tục ngâm lần thứ 3 (tương tự như lần 2). Mỗi mẻ enzym thu được 3 lần nước.