Dựa vào màu sợi bún
Một trong những cách đơn giản đầu tiên là nhìn vào màu của sợi bún giúp cho bạn có thể biết đâu là bún sạch đâu là bún nhiễm hóa chất.
Bún được làm từ gạo nguyên chất, có sợi màu trắng đục hoặc tối màu. Ngược lại, bún chứa hàn the hay hóa chất bảo quản sẽ có màu trắng trong, sáng và sợi bún có độ bóng mẩy.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Dựa vào độ dính
Khi đi chợ mua bún bạn có thể dùng cảm quan, nếu thấy cọng bún quá bóng mẩy thì cũng có khả năng bún được xử lí bằng hóa chất. Thông thường những sợi bún không có hóa chất thường không thể quá bóng mượt trắng tinh bắt mắt được. Bởi bún không chứa hàn the, hóa chất, sợi bún hơi nát, dễ đứt gãy và chạm vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn.
Bún chứa hàn the, sợi bún dai giòn hơn, khó đứt gãy. Chạm vào không có cảm giác nhuyễn, dính của bột gạo do đã sử dụng hàn the và hóa chất giúp sợi bún dai, giòn hơn.
Dựa vào mùi chua
Thông thường, bún không chứa hàn the có mùi hơi chua dịu, không quá nặng mùi. Đây là mùi chua hoàn toàn tự nhiên của gạo ngâm trong quy trình chế biến bún. Bún chứa hàn the sẽ không có mùi chua dịu của gạo ngâm.
Nếu bún để ngoài chợ tới cuối ngày với nhiệt độ cao mà không có mùi chua, thì nhiều khả năng bún đã sử dụng hàn the và hóa chất. Bún không sử dụng hàn the và hóa chất khi ăn sẽ có cảm giác tinh bột và mùi vị của bột gạo như ăn cơm. Bún mua về để hơi lâu hoặc qua ngày sẽ bị chua và ôi thiu. Những loại bún để 2 - 3 ngày chưa ôi thiu, khi nhai trong miệng không có mùi vị là loại sử dụng hàn the và hóa chất quá liều lượng. Nếu lấy bột nghệ thử sẽ thấy sợi bún chuyển sang màu xám.
Dựa vào hương vị
Khi bạn mua được loại bún ít hóa chất khi ăn sẽ có cảm giác của tinh bột hoặc người ăn cảm thấy rõ mùi vị của bột gạo rất thơm ngon. Ngược lại với những loại bún khi cho vào trong miệng mà không có mùi vị thì nguy cơ bị dùng hóa chất là cao hơn nên phải hết sức thận trọng với loại bún này.