Những dấu hiệu sườn không còn tươi ngon:
Sườn heo không có độ đàn hồi:
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Sườn tươi ngon thường giữ được độ đàn hồi tốt, nghĩa là thịt còn mềm và có độ đàn hồi. Nếu bạn ấn nhẹ vào miếng sườn và thấy không đàn hồi thì thịt có thể đã không còn tươi ngon.
Sườn heo bị ướt:
Sườn heo ướt thường đã được phun nước để tăng trọng lượng. Loại sườn này dễ có mùi khó chịu và có nguy cơ phát triển vi khuẩn, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng.
Sườn heo có nhớt:
Sườn tươi thường có một chút dính tay, nhưng nếu sườn quá dính và có độ nhớt thì đó có thể là sườn đã bị để lâu và khả năng đã ôi thiu.
Sườn heo có màu sắc tái, lợt:
Sườn tươi thường có màu hồng. Nếu sườn có màu tái hoặc bề mặt thịt bị nhợt nhạt thì có thể đã hỏng.
Cách chọn sườn heo tươi ngon:
Chọn sườn dựa vào món ăn sẽ nấu:
Bạn cần lựa chọn loại sườn phù hợp với món ăn bạn muốn nấu. Ví dụ, sườn non thích hợp cho các món xào, kho, nướng hoặc rán. Trong khi sườn già thích hợp cho các món hầm.
Ngửi sườn khi chọn mua:
Sườn có hương thơm tự nhiên là một dấu hiệu tốt. Nếu sườn heo có mùi khó chịu, đó là dấu hiệu sườn không ngon.
Chọn sườn có phần xương nhỏ và dẹt:
Sườn có phần xương nhỏ và dẹt thường có nhiều thịt và ít xương hơn, giúp thịt mềm và ngon. Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh loại sườn quá nhỏ để đảm bảo thịt vẫn đủ dày và ngon miệng.
Gợi ý một vài món ngon từ sườn
Sườn kho
Nguyên liệu: 600g sườn non, hành tím, tỏi băm, nước dừa tươi, đường phèn giã nhỏ, tương ớt, tiêu xay, hành lá.
Sườn non sau khi đã được chặt khúc vừa ăn thì đem rửa sạch để ráo. Ướp vào sườn 1/2 muỗng hạt nêm, 1/2 muỗng bột ngọt, 1/2 muỗng tiêu xay, 1/2 muỗng đường, 1 muỗng nước mắm, 1 muỗng nước tương và 2 muỗng tỏi hành tím băm. Ướp 30 phút cho sườn thấm.
Cho vào chảo sâu lòng 1/2 vá dầu ăn cùng 1 muỗng đường phèn giã nhỏ để làm caramel. Có thể thay bằng đường cát trắng. Dùng đường phèn khi thắng nước màu sẽ giúp món sườn lên màu đẹp, vị thanh mà không bị gắt đắng. Đảo đều đến khi đường tan chuyển màu vàng nâu thì cho hết phần sườn vào đảo đều cho sườn săn vàng.
Sườn săn lại thì cho tiếp 1,5 chén nước dừa tươi vào, nếu không có bạn có thể thay bằng nước nóng. Hạ lửa nhỏ đậy nắp kho đến khi sườn mềm nước sệt lại thì thêm 1 muỗng tương ớt vào. Đảo thêm vài phút thì nêm nếm lại cho có vị mặn ngọt hợp khẩu vị rồi mình thêm hành thái nhỏ và tiêu xay lên mặt.
Canh dưa nấu sườn
Nguyên liệu: 300g sườn non, 500g dưa cải muối chua, 2 trái cà chua chín, vài cọng rau mùi, dầu ăn, bột canh, hạt nêm.
Cách làm:
Cà chua bổ múi cau, bỏ hạt. Rau mùi xắt nhỏ, để riêng.
Làm nóng nồi với 1 muỗng canh dầu ăn, cho 2/3 lượng cà chua vào đảo đều cùng 1 muỗng canh hạt nêm cho cà chua chín mềm. Thêm sườn vào đảo cùng tới khi sườn đổi màu và săn lại.
Dưa nếu chua quá bạn vắt kĩ nước hoặc rửa qua cho bớt chua rồi cho vào nồi sườn xào cùng, thêm chút nước mắm cho thơm. Xào dưa khoảng 15 phút thì bạn thêm nước vào nồi, bạn thêm lượng nước dưa hơn lượng cần ăn vì trong quá trình đun nước sẽ cạn bớt là vừa.
Đun nhỏ lửa tới khi dưa đạt độ mềm bạn yêu thích thì thêm nốt chỗ cà chua còn lại và nồi, đun thêm 5 phút nữa thì tắt bếp. Rắc rau mùi xắt nhỏ rồi lấy canh dưa nấu sườn ra tô, dùng với cơm trắng.
Sườn rang muối
Nguyên liệu: 500g sườn sụn, 50g gạo nếp, 50g gạo tẻ, 20g đỗ xanh, bột bắp, muối, sả, lá lốt, dầu ăn.
Cách làm:
Rang riêng gạo nếp, gạo tẻ và đỗ xanh cho vàng đều. Sau đó, trộn chung tất cả cho vào máy xay xay mịn. Rang muối cho khô, rồi trộn muối chung với hỗn hợp bột vừa xay. Sườn sụn rửa sạch, thái miếng vừa ăn.
Ướp sườn với một chút bột nêm, để khoảng 15 phút cho sườn ngấm. Lăn từng miếng sườn qua bột ngô sao cho bột ngô bám đều hết miếng sườn. Sau khi lăn sườn qua bột xong, để sườn ra rổ lắc lắc để bột thừa rơi bớt.
Đổ dầu ăn vào chảo, đợi dầu sôi thì cho sườn vào chiên vàng. Khi sườn vàng, bạn vớt sườn ra giấy thấm dầu cho ráo.
Lá lốt rửa sạch, thái sợi. Sả rửa sạch, đập dập, thái sợi. Cho sả vào dầu vừa chiên sườn chiên vàng. Tiếp theo, cho lá lốt vào đảo qua cho lá lốt săn lại là được.
Cho sườn vào chảo, rắc muối gạo vào đảo đều. Thêm sả, lá lốt vào chảo đảo đều là xong