Thứ 5, 12/12/2024, 12:36 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Các cách phân biệt trứng cũ hay mới cực đơn giản

Các cách phân biệt trứng cũ hay mới cực đơn giản
(Tieudung.vn) - Trứng là thực phẩm ngon, bổ, rẻ được sử dụng phổ biến ở nước ta, nhất là các loại trứng gà, trứng vịt. Việc nhận biết được đâu là trứng cũ hoặc mới sẽ là một ‘tuyệt chiêu’ rất cần thiết cho các chị em nội trợ để có thể lựa được những quả trứng tươi ngon nhất.

Quan sát vỏ trứng

Trứng mới có vỏ sáng bóng, trơn láng và màu sắc rõ ràng, đồng đều. Vỏ trứng mới không có những vết nứt li ti. Bạn cũng có thể cảm nhận được vỏ trứng khá cứng và không dễ vỡ.

Trứng cũ thường có vỏ xỉn màu, có thể bị nhám hoặc sần sùi. Do thời gian bảo quản lâu, vỏ trứng cũ có thể bị mờ, đôi khi sẽ có dấu hiệu của sự hư hỏng như vết nứt hoặc mốc. Ngoài ra, vỏ của trứng cũ thường mỏng và dễ vỡ hơn so với trứng mới.

Các cách phân biệt trứng cũ hay mới cực đơn giản

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Thả trong nước

Một trong những cách đơn giản và hiệu quả để phân biệt trứng mới và trứng cũ là thả quả trứng vào trong nước. Trứng mới khi thả vào bát nước sẽ chìm xuống đáy và nằm nghiêng hoặc nằm ngang. Trứng tươi khá nặng, do đó dễ chìm xuống đáy, không bị lắc lư.

Trứng cũ khi thả vào nước sẽ nổi lên hoặc đứng thẳng. Lý do là khi để lâu, không khí bên trong vỏ trứng sẽ tạo thành một túi khí lớn hơn, khiến trứng dễ nổi.

Sờ vỏ trứng

Bạn cầm quả trứng lên, nếu thấy nặng tay, sờ vỏ trứng hơi ram ráp thì là trứng mới. Ngược lại, trứng cầm có cảm giác nhẹ tay, trơn, nhẵn là trứng cũ.

Lắc trứng

Một mẹo khá thú vị và đơn giản khác là bạn có thể thử lắc trứng để kiểm tra độ tươi của nó. Trứng mới khi lắc sẽ không phát ra tiếng hoặc chỉ có một tiếng nhỏ do lòng trứng còn nguyên vẹn, không bị xáo trộn.

Nếu là trứng cũ, khi lắc bạn sẽ nghe thấy tiếng lạch cạch do bên trong vỏ trứng đã bị khô, lòng trứng không còn chắc chắn và dịch bên trong đã loãng đi.

Soi trứng dưới ánh sáng

Khi soi trứng mới dưới ánh sáng, đặc biệt là dưới ánh sáng mạnh như đèn điện hoặc đèn pin, bạn sẽ thấy lòng đỏ và lòng trắng vẫn còn nguyên, không có vết nứt hay vết bẩn nào. Lòng đỏ sẽ có màu sắc rõ ràng và nằm ở vị trí trung tâm của trứng.

Khi soi trứng cũ dưới ánh sáng, bạn sẽ thấy không gian bên trong quả trứng lớn hơn và dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện của túi khí. Ngoài ra, lòng đỏ có thể bị xô lệch về một phía hoặc vỡ ra, lòng trắng có thể trở nên mờ hoặc nhầy, không còn trong suốt như trứng mới.

Mẹo phân biệt trứng gà ta – gà công nghiệp

Trứng gà ta có hương vị thơm ngon và nhiều dưỡng chất nên thường được bán với giá cao hơn so với trứng nuôi công nghiệp. Vì vậy, nhiều người đã dùng các chất axit tẩy màu trứng công nghiệp nhằm làm giả trứng gà ta. Để tránh bị lừa, bạn hãy quan sát thật kỹ hình dáng bên ngoài, trứng công nghiệp luôn to và nặng hơn trứng gà ta.

Trứng gà ta có kích thước nhỏ, màu vàng tự nhiên và đôi khi còn dính bẩn do cách nuôi thủ công. Trứng gà bị tẩy bên ngoài lớp vỏ có màu trắng hồng, vỏ như được phủ thêm một lớp bụi, quá sạch sẽ và không có độ bóng tự nhiên. Trứng gà công nghiệp khi bị tẩy trắng có lớp vỏ mỏng nên dễ vỡ và nhanh hỏng hơn. Đặc biệt, khi chế biến nếu thấy lòng trắng trứng không có màu trong suốt mà ngả sang màu trắng hoặc bị vón cục thì nên bỏ đi vì có thể trứng bị nhiễm hóa chất tẩy trắng.

Lưu ý khi bảo quản trứng

- Không để ở cánh cửa tủ lạnh: Mặc dù tủ lạnh luôn làm sẵn giá để cho bạn cất trứng tuy nhiên để trứng ở cánh cửa tủ lạnh không tốt. Vì cánh cửa tủ lạnh luôn được mở ra thường xuyên vì thế nhiệt độ ở cánh cửa không đều, thay đổi liên tục khiến trứng sẽ rất nhanh hỏng. Vì thế, cách tốt nhất, sau khi rửa sạch trứng, sau đó cho trứng vào hộp carton rồi mới cất bên trong ngăn mát tủ lạnh nhé!

- Thời gian bảo quản trứng: Trứng lưu trữ trong tủ lạnh cũng chỉ nên để từ 3-5 tuần. Trứng đã cho ra khỏi tủ lạnh thì dùng trong 2 tiếng, nếu để lâu trứng sẽ hỏng.

Tags:
4.1 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.26506 sec| 808.352 kb