Bánh chưng
Bạn cần chú ý bảo quản bánh chưng sau Tết đúng cách. Nguồn ảnh: Internet
Là món ăn truyền thống trong dịp Tết, nhưng cũng rất dễ dàng bị hư hỏng. Đặc biệt là tình trạng mốc rất phổ biến bởi thời tiết khai xuân thường đi kèm với nóng ẩm. Nếu bánh chưng bạn để trong tủ lạnh bị mốc thì bạn có thể gạt bỏ phần mốc và sử dụng phần bánh không bị mốc còn lại. Còn nếu bánh chưng bạn để ở nhiệt độ thường bị mốc và lên mùi chua thì bạn không thể sử dụng được nữa.
Có một tình trạng nữa của bánh chưng đó là bị lại gạo (còn sống). Để khắc phục bạn chỉ việc luộc lại bánh chưng trong nước sôi. Tuy nhiên các bạn nên bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh, bạn có thể để vào ngăn đá rồi sau đó lấy ra chiên.
Bạn có thể bảo quản bánh chưng bằng những cách sau:
Đối với bánh còn nguyên lá bạn có thể bảo quản ở nhiệt độ thường, đặt bánh tại nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và dùng dần trong khoảng 7 - 10 ngày.
Để bảo quản được lâu hơn, bạn nên cho bánh vào tủ lạnh ở nhiệt độ từ 5-10 độ C hoặc ngăn đông và dùng trong 10 - 20 ngày.
Đối với bánh đã lột lá, nếu dùng không hết bạn nên bỏ chúng vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Nhiệt độ thích hợp từ 5-10 độ C.
Mỗi lần ăn, bạn chỉ việc cho bánh chưng đồ lại, hấp hoặc rán đều được, bánh vẫn giữ được độ mềm thơm hấp dẫn mà không bị ảnh hưởng đến hương vị sau khi chế biến lại.
Bánh khi bảo quản trong tủ lạnh, nên dùng đến đâu thì cắt đến đó và bọc phần còn lại bằng màng bọc thực phẩm rồi tiếp tục bảo quản trong ngăn lạnh.
Đối với thực phẩm đông lạnh
Không ít các gia đình tích trữ đông lạnh nhiều loại tôm, thịt, cá... trước Tết. Khi bảo quản những loại thực phẩm này, nên chia ra từng phần đủ ăn trong một bữa trước khi cho vào tủ lạnh. Khi rã đông thì phải dùng hết, không nên đông lạnh lại sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập. Bạn có thể sử dụng lò vi sóng có chức năng rã đông sẽ tiện ích và tiết kiệm thời gian hơn cách rã đông thông thường.
Khi chế biến thực phẩm đông lạnh, bạn nên sử dụng thực phẩm được mua trước, sau đó mới tới thực phẩm được mua sau, tránh để thực phẩm đông lạnh quá lâu, nấu ăn sẽ không còn ngon và bổ dưỡng nữa.
Đối thực phẩm tươi sống
Rau, hoa quả còn thừa sau ngày Tết là loại thực phẩm tươi rất dễ hỏng. Nếu muốn bảo quản được lâu, bạn không nên rửa mà nên nhặt bỏ lá rau sâu, lá dập, phần bị hỏng, cắt bỏ phần rễ và để ở nơi thoáng mát.
Khi cho vào tủ lạnh, bạn nên rửa sạch rau, quả; để ráo nước và cho vào túi buộc kín, có thể sử dụng máy đóng gói thực phẩm hoặc máy hút chân không để loại bỏ không khí bên trong túi, giúp thực phẩm tươi lâu hơn. Sau đó, cho túi vào ngăn mát tủ lạnh (5 độ C).
Khi sử dụng máy hút chân không, bạn có thể bảo quản đa dạng nhiều loại thực phẩm trong khoảng thời gian dài hơn gấp từ 2 - 3 lần so với việc sử dụng tủ lạnh để lưu trữ như thông thường.
Trứng và sản phẩm liên quan tới sữa
Trứng sống có thể giữ trong tủ lạnh từ 03 đến 05 tuần. Trứng luộc chín còn ăn được trong 01 tuần. Trứng và các sản phẩm từ sữa thích hợp trong không gian dưới 4 độ C.
Các sản phẩm từ sữa để trong tủ lạnh giữ được chất lượng trong các khoảng thời gian khác nhau: Sữa (01 tuần), sữa chua (01-02 tuần), phô mai mềm (01 tuần), phô mai cứng (03-04 tuần sau khi mở).
Bánh mứt kẹo
Sau Tết, bánh, mứt, kẹo nên được bảo quản cẩn thận, tránh ẩm mốc. Bạn nên để bánh, mứt, kẹo trong những túi kín, tốt nhất là sử dụng túi bằng giấy thiếc. Hoặc bạn có thể tìm mua những lọ thủy tinh hút chân không để bảo quản, giúp bánh kẹo không bị hút ẩm, giữ nguyên độ giòn và trạng thái ban đầu.
Đặc biệt, đối với mứt khô, khi hết Tết, bạn nên cho vào lọ thủy tinh sạch, khô, phủ một lớp đường trắng lên trên. Lớp đường trắng có tác dụng hút ẩm, giữ cho mứt luôn khô ráo, màu sắc trong. Với những loại mứt ướt như mứt quất, mứt hồng… bạn nên đun một chút nước đường rồi đem sao lại mứt đến khi mứt khô lại là có thể cất đi bảo quản.