Sức tiêu thụ không như mong muốn
Khảo sát thực tế tại đại lý kinh doanh xe Toyota Hoàn Kiếm, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị thấy lượng khách hàng tìm mua xe ô tô không nhiều, hầu hết hỉ tìm hiểu sản phẩm, không tỏ ra hào hứng đặt cọc mua xe. Nhân viên ở đây cho biết, trước thông tin nhà nước giảm 50% phí trước bạ, những ngày cuối tháng 6 lượng khách đặt mua xe mới tăng cao để hưởng khuyến mại và chính sách mới. Tuy nhiên, từ 1/7 đến nay số lượng khách hàng lại trở về trạng thái cũ, người xem xe thì nhiều nhưng lượng mua lại èo uột.
Người tiêu dùng mua xe tại đại lý Ford Hà Nội Ảnh: Hoài Nam
Không chỉ hãng xe Toyota lâm vào tình trạng này mà hầu hết các hãng xe khác như Kia, Hyundai, Honda… cũng trong tình trạng tương tự.
Giám đốc bán hàng Hyundai An Khánh Chu Quang Đô chia sẻ, từ đầu năm tới nay, nhà phân phối Thaco đã nhiều lần điều chỉnh giá bán lẻ của hầu hết mẫu xe Kia theo chiều hướng giảm, tuy nhiên lượng khách đến mua sắm vẫn không tăng như mong muốn. Hơn nữa sắp tới khi bước vào tháng Ngâu (tức tháng 7 âm lịch) người tiêu dùng hạn chế mua sắm, nên trong ngắn hạn doanh số bán xe khó có thể cải thiện.
Báo cáo bán hàng của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tổng sản lượng ô tô tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 201.839 xe các loại, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xe du lịch giảm 37%, xe thương mại giảm 11%, xe chuyên dụng giảm 65%. Báo cáo bán hàng của TC Motor cũng cho thấy, doanh số của thương hiệu Hyundai tại Việt Nam đã giảm 23% trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo về thị trường ô tô cả năm 2023, Tổng thư ký VAMA Ninh Hữu Chấn cho rằng sức tiêu thụ cả năm chỉ ở mức khoảng trên 354.000 xe, bằng khoảng 70% so với năm trước. Nguyên nhân là bởi kinh tế khó khăn, lạm phát gia tăng, các kênh đầu tư như thị trường chứng khoán, bất động sản lao đao. Dòng tiền bị thắt lại khiến người dân giảm nguồn thu và buộc phải thắt chặt những khoản chi tiêu lớn như mua ô tô.
Người tiêu dùng chọn mua xe Toyota tại Toyota Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam
Đồng tình với phân tích này Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam Đào Phan Long cho rằng, từ đầu năm đến nay sức tiêu thụ ô tô khá chậm nên các hãng xe đã có chính sách ưu đãi 50-100% lệ phí trước bạ cho khách. Do đó, quyết định của Chính phủ về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/7 không tạo ra ảnh hưởng rõ rệt đối với thị trường.
Kích cầu bằng cách nào?
Để kích cầu tiêu dùng thời điểm này các hãng sản xuất xe ô tô đồng loạt đưa ra chương trình khuyến mại, giảm giá sản phẩm.
Theo đó, trong tháng 7, hãng Toyota dành mức ưu cho mẫu sedan hạng B - Toyota Vios là tối đa 25 triệu đồng ở phiên bản G, phiên bản E số sàn có ưu đãi 15 triệu đồng, toàn bộ phiên bản của Toyota Avanza Premio đang được ưu đãi 25 triệu đồng, mức khuyến mại dành cho các phiên bản Toyota Veloz Cross là 30 triệu đồng. Tương tự, hãng xe Hyundai cũng giảm 30 triệu đồng cho phiên bản AT tiêu chuẩn của Hyundai Accent, mẫu xe Santa Fe giảm 89 triệu đồng, Tucson giảm 45 triệu đồng.
Người tiêu dùng mua xe tại đại lý Hyundai Gia Lâm. Ảnh: Hoài Nam
Trong tháng 7 hãng xe Ford cũng giảm giá một số mẫu xe lắp ráp tại Việt Nam như Ford Territory ở mức từ 30-40 triệu đồng kèm phụ kiện. Đối với Ford Ranger, mức ưu đãi là 20-40 triệu đồng tùy phiên bản và tặng kèm phụ kiện cho khách mua xe. Hiện Mitsubishi cũng duy trì mức giảm tương đương 50% phí trước bạ còn lại cho 2 mẫu ô tô là Outlander và Xpander MT trong tháng 7…
Nhân viên kinh doanh của đại lý Mitsubishi tại số 4 Tôn Thất Tùng (Đống Đa) cho biết, song song với chương trình giảm 50% phí trước bạ của nhà nước, Mitsubishi giảm thêm 50% mức lệ phí còn lại. Đồng thời áp dụng chương trình khuyến mại giảm giá lên tới 220 triệu đồng. Đặc biệt, Honda Việt Nam thông báo khách hàng mua Honda CR-V trong tháng 7 sẽ được hưởng ưu đãi tương đương 150% lệ phí trước bạ cùng một năm bảo hiểm vật chất.
Mặc dù các hãng xe liên tục khuyến mại, giảm giá sản phẩm, đồng thời nhà nước giảm 50% lệ phí trước bạ nhưng theo các doanh nghiệp kinh doanh xe ô tô, muốn kích cầu tiêu dùng đòi hỏi ngành ngân hàng nên giảm lãi suất vay.
Giám đốc Kinh doanh Toyota Thăng Long Phạm Thanh Tùng chia sẻ theo xu thế mới, người dân thường mua xe trả góp nhiều hơn là trả thẳng tiền mặt, nhưng hiện phải chịu lãi suất vay thả nổi khoảng 11-12%/năm và không được hưởng ưu đãi giảm giá, tặng gói phụ kiện… Với những mặt hàng có giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng như ô tô sẽ khiến người dân đắn đo, chưa quyết định mua xe. “Đây chính là những yếu tố gián tiếp đẩy thị trường ô tô èo uốt bất chấp việc các hãng xe đã giảm giá bán”- ông Tùng phân tích.
Tương tự, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại An Dân Hà Nội Vũ Hồng Chinh nêu rõ, cốt lõi để thúc đẩy thị trường ô tô hồi phục tốt hơn nữa là tháo gỡ bài toán lãi suất theo hướng giảm, bởi phần lớn khách mua xe chọn phương án trả góp qua ngân hàng nên nếu lãi suất cao thì sẽ không kích thích tiêu dùng.
Đồng tình với những ý kiến này, dưới góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh- Học viện Tài chính chỉ rõ, tình hình kinh tế thế giới hiện chưa ổn định khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn có thể duy trì xu hướng thắt chặt tiền tệ, đồng thời đồng yen Nhật đang mất giá. Diễn biến này ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có thị trường tiêu thụ ô tô. "Trong bối cảnh này, mọi giải pháp hỗ trợ thị trường đều mang tính tình thế. Về lâu dài, vẫn phải chờ tín hiệu tốt hơn nữa từ kinh tế thế giới. Ở trong nước, cần tiếp tục triển khai chính sách lãi suất ưu đãi dành cho vay mua xe với thời hạn trả góp dài, giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt..."- ông Thịnh hiến kế.