Tuyến cáp quang biển có tên Apricot sẽ kết nối Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Guam, Philippines, Indonesia, phục vụ nhu cầu truy cập băng rộng và kết nối 5G ngày một tăng tại đây. Vào tháng 3, Facebook cũng thông báo hai tuyến cáp quang biển mới, Bifrost và Echo, xuyên đại dương, kết nối Singapore với bờ Tây Mỹ. Google tham gia vào tuyến cáp Echo.
Google và Facebook thông báo cùng tham gia xây dựng tuyến cáp quang biển mới. Nguồn: Facebook launches, History.com
Trên blog, Google cho biết Echo và Apricot là hai hệ thống bổ sung, sẽ cải thiện khả năng phục hồi của Google Cloud và các dịch vụ kỹ thuật số khác của Google. Apricot và Echo sẽ mang đến cho doanh nghiệp và startup châu Á kết nối với độ trễ thấp, nhiều băng thông hơn.
Dự kiến Apricot sẽ chính thức đấu nối vào hệ thống Internet toàn cầu từ năm 2024. Trong bài giới thiệu trên blog công ty, Facebook cho biết tuyến cáp quang này có tốc độ thiết kế ban đầu là 190 terabit/s, đi kèm công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực cáp quang biển.
“Tuyến cáp quang Apricot là một phần trong nỗ lực liên tục của chúng tôi nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng mạng toàn cầu, phục vụ tốt hơn cho 3,5 tỷ người dùng trên khắp thế giới”, Facebook thông tin thêm.
Facebook xác định Indonesia là một trong 5 thị trường quan trọng nhất trên phạm vi toàn cầu, Facebook đang dành nhiều đầu tư phát triển năng lực kết nối của Indonesia. Hiện tại, hai tuyến cáp nói trên vẫn đang đợi phê duyệt của các nhà điều hành địa phương.
Mặc dù 73% trong tổng số 270 triệu dân của Indonesia đã kết nối với Internet, phần lớn truy cập web vẫn được thực hiện qua dữ liệu di động với chỉ dưới 10% được sử dụng kết nối băng thông rộng, theo một khảo sát của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Internet Indonesia.