Việc xuất hiện các nội dung xấu, độc, phản cảm ngày càng trở nên tràn lan, gây ảnh hưởng lớn xã hội, đặc biệt là giới trẻ, lứa tuổi rất dễ bị tác động bởi các thông tin dạng này.
Không chỉ vậy, việc có thể kiếm tiền từ các nội dung đăng tải lên mạng xã hội cũng đã tạo ra cơ hội cho những thông tin độc hại như trên liên tục được xuất hiện, bất chấp mọi thứ kể cả pháp luật nhằm kiếm lợi nhuận. Điều này lý giải tại sao khi truy cập vào mạng xã hội, người dùng rất dễ bắt gặp như nội dung quảng cáo phản cảm, thông tin câu view sai sự thật, thậm chí là nội dung mời đánh bạc hoặc lừa đảo….
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ TT&TT cũng đã có rất nhiều biện pháp mạnh để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới trên phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, hạn chế, bóc gỡ đến tối đa các nội dung xấu, độc nhằm làm trong sạch môi trường mạng trong nước. Trong năm 2023, đã có 14.552 nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới bị ngăn chặn, 197 ứng dụng game không phép, game cờ bạc phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam bị gỡ bỏ. Bên cạnh đó là khóa 147 tài khoản, 54 nhóm trên Facebook, 22 kênh YouTube (chứa khoảng 32.000 video), 246 tài khoản TikTok thường xuyên đăng tải nội dung vi phạm pháp luật.
Theo Bộ TT&TT, hiện các nền tảng xuyên biên giới đã tích cực phối hợp với Việt Nam trong việc xóa bỏ và ngăn chặn thông tin độc hại, nâng tỷ lệ xóa, chặn lên trên 90%, với thời gian rút ngắn và tỷ lệ xử lý cao hơn. Đây là con số rất ấn tượng nếu biết trước năm 2017, các nền tảng này hầu như không hợp tác với những nội dung tương tự.
Không chỉ vậy, mới đây, Bộ TT&TT còn công bố danh sách Black List gồm 403 webiste, địa chỉ tài khoản mạng xã hội… vi phạm pháp luật nhằm khuyến nghị các thương hiệu không đặt quảng cáo trực tuyến. Đồng thời, danh sách White List gồm 301 báo, tạp chí điện tử, 1.381 trang thông tin điện tử tổng hợp, 953 mạng xã hội đã được cấp phép cũng được niêm yết công khai để các thương hiệu lựa chọn quảng cáo cho sản phẩm của mình.
Đặc biệt, giai đoạn cuối năm 2023, Bộ TT&TT đã tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Theo đó, hàng loạt sai phạm đã được chỉ ra, đặc biệt là về việc kiểm duyệt nội dung chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật như thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội; thông tin gây hại cho trẻ em…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, thông tin xấu, độc xuất hiện và phát tán nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn của các mạng xã hội xuyên biên giới vẫn chậm so với mạng xã hội trong nước nên những thông tin vi phạm pháp luật này tồn tại lâu, ảnh hưởng trên phạm vi rộng. Việc quản lý, kiểm tra, rà soát để phát hiện tin giả, thông tin xấu, độc còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến nghệ thuật, văn hóa…
Do đó, không chỉ mình Bộ TT&TT mà các bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc nhằm ngăn chặn thông tin xấu, độc trên môi trường mạng. Đơn vị nào quản lý cái gì trong thế giới thực thì thực hiện việc quản lý đó trên không gian mạng. Các bộ, ngành, địa phương xác định trách nhiệm của mình trong thế giới thực như thế nào thì lên môi trường mạng cũng như thế.