Theo CNN, Sam Altman, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của OpenAI, đã bị sa thải khỏi công ty riêng của mình sau khi hội đồng quản trị cáo buộc ông “không thẳng thắn trong giao tiếp”.
Cựu giám đốc điều hành Sam Altman. Ảnh: The New York Times
"Sự ra đi của Altman diễn ra sau một quá trình xem xét có chủ ý của hội đồng quản trị, kết luận rằng Sam Altman không nhất quán, thẳng thắn trong giao tiếp với hội đồng quản trị, cản trở khả năng thực hiện trách nhiệm của mình", OpenAI cho biết trong một tuyên bố. "Hội đồng quản trị không còn tin tưởng vào khả năng tiếp tục dẫn dắt OpenAI của anh ấy nữa".
Ông Altman, 38 tuổi, đã trở thành hiện tượng trong thế giới công nghệ sau khi tung ra thị trường ChatGPT, một chatbot trí tuệ nhân tạo với những khả năng chưa từng có, tạo ra nội dung ở cấp độ tương đương con người thực hiện như làm thơ hoặc sáng tác các tác phẩm nghệ thuật chỉ trong vài giây.
Ông là một trong những người ủng hộ trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ nhất, nhưng cũng là người dẫn đầu kêu gọi các biện pháp quản lý và cảnh báo rằng công nghệ này có những rủi ro khi nó định hình lại xã hội. Ông đã điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 5/2023 về hình thức luật AI nên được áp dụng.
Theo số liệu thống kê của Ark Invest, lượng người sử dụng ChatGPT đã vượt qua mốc 12 triệu người. Chương trình máy tính này ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các cuộc nói chuyện và thảo luận của mọi người. Trong những câu chuyện đó, nó được nhắc tới như một sản phẩm công nghệ mới có khả năng làm thay đổi và định hình lại thế giới trong những năm tới.
So với các chatbot hiện nay, ChatGPT mang đến cảm xúc đặc biệt hơn nhờ sự mềm mại trong việc sử dụng ngôn ngữ cùng khả năng ứng biến các đoạn hội thoại một cách trôi chảy.
ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến kiến thức, tạo các đoạn văn bản tự động theo yêu cầu, dịch văn bản từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác... Nhờ vậy, chương trình này có thể được ứng dụng vào nhiều mục đích khác nhau, đặc biệt là ở vai trò của một trợ lý ảo hoặc các hệ thống tổng đài tự động chăm sóc khách hàng.
Trên thực tế, dù mới chỉ ra mắt được một thời gian ngắn, đã có vô vàn kịch bản sử dụng được người dùng tạo ra cho ChatGPT, từ vai trò của một cuốn từ điển online, thử thách khả năng viết luận, soạn thảo văn bản, trả lời email, thậm chí cả viết văn và xây dựng kịch bản. Dù ở vai trò nào, nó đều cho ra kết quả tròn vai, ở mức chấp nhận được.
Với độ “phủ sóng” như hiện nay, ChatGPT có thể tạo ra một cú hích, một trào lưu về việc tạo ra các đoạn văn bản bằng AI theo một cách rất giống con người, tương tự như trào lưu vẽ tranh bằng AI từng rất phổ biến. Trong tương lai không xa, việc giao tiếp với ChatGPT còn có thể tiến thêm một bước mới với sự xuất hiện của trợ lý ảo có diện mạo và giọng nói sống động.
Kể từ khi ChatGPT xuất hiện, có những lo ngại về khả năng AI sẽ thay thế con người, đặc biệt là ở các công việc yêu cầu khả năng tổng hợp, phân tích, tạo lập văn bản và trả lời.
Mặc dù vậy, ChatGPT đôi khi viết ra những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý, nhưng lại không chính xác hoặc vô nghĩa. Chất lượng và độ chính xác của câu trả lời do hệ thống tạo ra cũng phụ thuộc rất lớn vào quá trình đào tạo AI từ nguồn dữ liệu đầu vào.
Chương trình chỉ có thể hỗ trợ con người trong một số khía cạnh, đặc biệt là những công việc mang tính chất tổng hợp, lặp đi lặp lại và không có khả năng thay thế con người. Các thuật toán của AI vẫn chưa thể tạo ra những nội dung có chất lượng cao, đặc biệt là ở những lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm, chuyên môn sâu và khả năng sáng tạo.