Bộ Tài chính nhận định rằng, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn và thách thức. Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 có xu hướng phục hồi tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả khá nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức từ áp lực lạm phát, tỷ giá tăng, thị trường tài chính và tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Vì vậy, một trong các nhiệm vụ, giải pháp tài chính có thể thực hiện là tiếp tục thực hiện các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Về cơ bản, ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương nhất trí với dự thảo Nghị định.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương có ý kiến rằng việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ như dự thảo Nghị định sẽ vi phạm cam kết quốc tế dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt nam xuất khẩu hàng hóa sang, cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó.
Bộ Tài Chính cho biết, cơ quan này đã đánh giá cụ thể tác động của việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc vi phạm các cam kết quốc tế và đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước;
Phương án 2: giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng như Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023.
Trên cơ sở phân tích, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 1.
Để ứng phó với vi phạm cam kết quốc tế như các Bộ đã nêu, Bộ Tài chính trình Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.