Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận vừa kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, từ ngày 20/6- 22/06, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh này đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất 12 cơ sở buôn bán phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn các huyện Bắc Bình, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc.
Đoàn thanh tra kiểm tra cơ sở C.L, xã Bình Tân (huyện Bắc Bình) phát hiện bán thuốc BVTV ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Kết quả, phát hiện 5 cơ sở tại huyện Bắc Bình và 1 cơ sở tại Hàm Tân có hành vi phạm. Trong đó 4 cơ sở có hành vi buôn bán phân bón vi phạm về nhãn mác. Cụ thể như tại cơ sở P.H, xã Hải Ninh (huyện Bắc Bình), đoàn thanh tra phát hiện buôn bán phân bón NK VPNA 16-8, loại 50kg/bao, phân phối bởi Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nato. Điều đáng nói trên bao bì và nhãn phụ loại phân bón này ghi (Nts): 20, (P2O5): 20, (K2Ohh): 15 là không đúng với chỉ tiêu chất lượng đăng ký theo quyết định lưu hành phân bón.
Đối với lô phân bón DAP 18-46 là phân bón nhập khẩu của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Tường Nguyên được phép lưu hành theo Quyết định số 234/QĐ-BVTV-PB ngày 29/4/2022 của Cục BVTV. Tuy nhiên lô phân này được bán cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nato phân phối cho cơ sở N.A 2, xã Phan Hiệp (huyện Bắc Bình) song trên nhãn phụ ghi không đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên hàng hóa.
Còn tại cơ sở D.H, xã Hải Ninh (Bắc Bình) buôn bán 2 loại phân bón NK VPNA 16-8 loại 50kg/bao do Công ty TNHH Sản xuất Thương mai Dịch vụ Greendland phân phối nhưng trên bao bì và nhãn phụ của 2 loại phân bón nêu trên lần lượt ghi (Nts): 20, (P2O5): 20, (K2Ohh): 15 và (Nts): 22, (P2O5): 4, (K2Ohh): 22 là không đúng với chỉ tiêu chất lượng đăng ký theo quyết định lưu hành phân bón.
Chưa hết, tại cơ sở T.Đ, xã Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân) cũng buôn bán phân bón NK VPNA 16-8 loại 50kg/bao do Công ty Sản xuất Thương mai Dịch vụ Greendland phân phối, tuy nhiên trên bao bì và nhãn phụ loại phân bón ghi (Nts): 16, (P2O5): 16, (K2Ohh): 8 là không đúng với chỉ tiêu chất lượng đăng ký theo quyết định lưu hành phân bón.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, các loại phân bón vi phạm về nhãn mác nêu trên buộc thu hồi và yêu cầu điều chỉnh lại nhãn mác theo đúng quy định trước khi lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, Chi cục đã lấy 4 mẫu phân bón để gửi kiểm định chất lượng và sau khi có kết quả kiểm định chất lượng sẽ xử lý theo quy định.
Đối với buôn bán thuốc BVTV không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, đoàn thanh tra phát hiện 2 cơ sở vi phạm. Trong đó tại cơ sở N.C, xã Bình Tân (huyện Bắc Bình) buôn bán sản phẩm Helosate® trên nhãn tiếng nước ngoài (chứa hoạt chất Glyphosate Isopropylamine).
Còn tại cơ sở C.L, xã Bình Tân (huyện Bắc Bình) buôn bán 3 sản phẩm gồm: Glyphosate Ipa 48SL, ngày sản xuất 25/11/2022, loại 01 lít/chai; Paraquat dichloride, loại 01 lít/chai và LKS-2,4D 600SL, loại 450ml/chai.
Các sản phẩm này trên nhãn đều ghi tiếng nước ngoài và vi phạm không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Đoàn thanh tra đã tịch thu và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm trên theo quy định. Cả 6 cơ sở vi phạm nói trên, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 42 triệu đồng.
Trong khi đó, tại Tiền Giang một cơ sở tại Châu Thành, Tiền Giang vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh vi phạm số tiền gần 180 triệu đồng về hành vi buôn bán phân bón giả. Lô hàng vi phạm gồm 02 tấn phân bón với tổng trị giá 45 triệu đồng.
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành kiểm tra đột xuất 01 hộ kinh doanh phân bón tại Châu Thành
Trước đó, vào ngày 09/02/2023, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành kiểm tra đột xuất 01 hộ kinh doanh phân bón tại Châu Thành, Tiền Giang.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này có thực hiện niêm yết giá phân bón nhưng niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng. Qua lấy 02 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng, kết quả cả 02 mẫu này đều giả về giá trị sử dụng, công dụng. Cụ thể, các chỉ tiêu Nts, P2O5 chỉ đạt từ 7% đến 18% (nhỏ hơn 70% so với mức tối thiểu quy định).
Ngày 03/3/2023, Đội QLTT số 1 lập Biên bản vi phạm hành chính, hoàn chỉnh hồ sơ trình và ngày 20/6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về 02 hành vi vi phạm nêu trên với số tiền gần 180 triệu đồng. Đến ngày 28/6/2023, cơ sở đã nộp tiền phạt đúng quy định.