Thứ 2, 25/11/2024, 10:06 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Lai tạo thành công sản phẩm gạo Mắt Rồng từ lúa màu cổ truyền

Lai tạo thành công sản phẩm gạo Mắt Rồng từ lúa màu cổ truyền
(Tieudung.vn) - Ngày 9/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Đào Minh Sô đã giới thiệu sản phẩm gạo Mắt Rồng từ giống lúa SR20. Đây là công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Sô và các cộng sự công tác tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.

Theo Tiến sĩ Sô, hiện nay có khá nhiều giống lúa màu cổ truyền còn được lưu giữ tại các cơ quan nghiên cứu. Hầu hết nguồn gen này (lúa cổ truyền) có giá trị canh tác thấp nên rất ít được sử dụng trực tiếp cho sản xuất. Trong quá trình khai thác nguồn gen lúa cổ truyền để tạo ra nguồn gen lúa cải tiến đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Sô đã chọn tạo được một số dòng lúa màu cải tiến bằng phương pháp đột biến từ các giống lúa cổ truyền ở thời điểm năm 2010. “Nguồn vật liệu lúa màu cải tiến này còn hạn chế về giá trị sử dụng nhưng là tiền đề để chúng tôi lai tạo ra các giống lúa màu đạt giá trị canh tác và như hiện nay. Sau đó công tác lai tạo được tiến hành giữa các thể biến dị đột biến có màu sắc với các nguồn gen lúa cải tiến khác nhau”, Tiến sĩ Sô cho biết.

Lai tạo thành công sản phẩm gạo Mắt Rồng từ lúa màu cổ truyền

Giống lúa SR20 có hàm hượng amylose 16-17%, tương tự các giống gạo trắng đặc sản phổ biến, nhưng có chiều dài gel vượt trội (76-80 mm so với phổ thông khoảng 50-60mm) nên tơi xốp hơn

Giống lúa SR20 là con lai được chọn từ tổ hợp gồm: vật liệu làm bố là một dòng lúa đỏ đột biến được phát triển từ nguồn gen cổ truyền trong nước và vật liệu làm mẹ là một dòng lúa đen thu thập ở nước ngoài. Cặp lai này được thực hiện nhằm khai thác lợi thế di truyền từ các tính trạng tốt của bố và mẹ. Công tác chọn lọc được tiến hành liên tục trong giai đoạn 2015-2019 thì xác định được một số dòng thuần lúa màu triển vọng, trong đó dòng lúa SR20 thể hiện rõ nhất về giá trị canh tác và sử dụng.

SR20 có thời gian sinh trưởng ngắn (di truyền từ bố), kiểu hình đẹp, chứa sắc tố đỏ và tím (trung gian giữa bố và mẹ), bông chùm (di truyền từ mẹ), năng suất cao, có ưu thế vượt trội về chất lượng so với giống mẹ (tím đen, gạo nát, cơm ướt và quá dẻo) và giống bố (đỏ, cơm khô). Giống lúa SR20 đã được khảo nghiệm và thử nghiệm diện rộng ở nhiều điểm tại Đông Nm Bộ và đồng bằng sông Cửu Long từ vụ Xuân Hè 2020 đến nay, và đã thể hiện được tính ổn định các ưu điểm như: ngắn ngày (92-96 ngày), năng suất khá (5-7 T/ha), chống chịu sâu bệnh tốt; đặc biệt cơm rất ngon, dẻo vừa và xốp, thích hợp đa số người dùng. Thành phẩm của giống lúa SR20 có thể là gạo xát (Mắt rồng SR20) hoặc gạo lứt đều thích hợp.

Lai tạo thành công sản phẩm gạo Mắt Rồng từ lúa màu cổ truyền

Tiến sĩ Đào Minh Sô - Trưởng bộ môn Chọn tạo giống cây trồng (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) trên khu ruộng thí nghiệm giống lúa SR20.

Theo Tiến sĩ Sô, sự khác biệt giữa gạo SR20 với các loại gạo huyết rồng, gạo lứt, gạo thảo dược hiện nay trên là: Gạo huyết rồng: “rồng” được xem là một loại “vật thiêng” của người Việt chúng ta, có sức mạnh vô đối và được thờ phụng. Theo đó, “huyết rồng” không chỉ là biểu hiện cho màu sắc (đỏ) mà còn bao hàm cả sức mạnh thể chất. Trong quá trình khai thác trồng trọt các loại cây làm lương thực, tổ tiên chúng ta đã chọn lọc và phát triển được một giống lúa rất ngon cơm, cho gạo màu đỏ, và đặc biệt chứa nhiều dưỡng chất, được dùng để dâng tặng cho các bật vua quan. Gạo này cũng từng được dùng như một loại thảo dược, có giá trị bồi bổ sức khỏe cho người già, người bệnh, phụ nữ có thai và em bé.

Ngày nay, dưới ánh sáng khoa học, mọi người đều biết đây là loại gạo có vỏ cám màu đỏ, chứa nhiều vi chất dinh dưỡng. Giống lúa Huyết rồng cổ truyền để tạo ra “gạo huyết rồng” như giới thiệu hiện nay không còn tồn tại trong sản xuất do nhiều nguyên nhân. Như vậy “gạo huyết rồng” là một thuật ngữ có tính di sản được “con cháu” khai thác trong thương mại ngay nay, được dùng để chỉ bất cứ loại gạo nào có màu đỏ (?) Cho nên cái di sản “gạo huyết rồng” bị hàm oan vì hiện có nhiều loại gạo đỏ được sản xuất từ giống lúa cải tiến có cơm khô hoặc quá dẻo, không ngon miệng.

Trong khi đó, gạo thảo dược: chỉ các loại gạo màu (đỏ, tím, đen) chứa nhiều vi chất dinh dưỡng, tương tự như “gạo huyết rồng”. Thật ra, đây là một thuật ngữ thương mại có tính ngộ nhận về khoa học, vì bản thân các vi chất dinh dưỡng trong gạo chưa đủ để được xem là một loại thảo dược.

Còn gạo lứt hay còn gọi là gạo lật, là loại gạo mà trong chế biến chỉ thực hiện công đoạn tách vỏ trấu; toàn bộ vỏ cám/lụa của hạt gạo được giữ nguyên. Đa số các loại “gạo thảo dược” đều ở “dạng lứt” để giữ vi chất dinh dưỡng. Gạo lứt chứa nhiều chất xơ, chậm chuyển hóa đường và còn giữ các vi chất dinh dưỡng nên sử dụng tốt cho sức khỏe hơn gạo xát trắng, nhất là người tiểu đường, người già và người ăn kiêng. Hạn chế của gạo lứt là khó bảo quản, khó ăn hoặc ăn không ngon miệng, và cũng không tiện lợi cho việc nấu cơm như gạo xát.

Cũng theo Tiến sĩ Sô, các đặc điểm vượt trội giữa gạo SR20 với các loại gạo trắng thông thường đó là chất lượng gạo, cơm được đánh giá dựa vào 2 nhóm chỉ tiêu cơ bản là chỉ tiêu về “độ ngon” và chỉ tiêu về dinh dưỡng.

Lai tạo thành công sản phẩm gạo Mắt Rồng từ lúa màu cổ truyền

Tiến sĩ Sô và cộng sự đã lai tạo thành công giống lúa mới từ nguồn gen lúa màu cổ truyền

Chỉ tiêu “độ ngon” phụ thuộc vào 2 tính chất hóa học chính của gạo là hàm lượng amylose và độ bền gel. Hàm lượng amylose biểu thị độ mềm, dẻo của cơm và độ bền gel thể hiện độ tơi xốp của cơm. Vì vậy, trường hợp các giống có hàm lượng amylose như nhau nhưng giống nào có gel dài hơn thì ngon cơm hơn. SR20 có hàm hượng amylose 16-17%, tương tự các giống gạo trắng đặc sản phổ biến, nhưng có chiều dài gel vượt trội (76-80 mm so với phổ thông khoảng 50-60mm) nên tơi xốp hơn. Đây là ưu điểm về tính phổ dụng của gạo SR20, có thể đáp ứng được nhu cầu của người thích gạo dẻo và cả nhu cầu của người ưa gạo xốp. Có thể nói, SR20 là loại gạo khá đặc biệt, do thể hiện được tính dẻo mà vẫn đảm bảo vị xốp của cơm nấu, điều này thể hiện rất rõ khi cơm được để nguội.

Trong khi đó, chỉ tiêu dinh dưỡng được quan tâm nhiều trong gạo là các chất vi khoáng (sắt, kẽm), vi tamin B (B1, 2, 6,..) và chất chống oxy hóa anthocyanine. Đa số các chất này nằm trong vỏ cám gạo, và sự hiện diện của những chất này tạo ra sắc tố cho hạt gạo. Hầu hết giống lúa cho gạo trắng nghèo hoặc thiếu các chất vi chất dinh dưỡng. Ngoài ra, việc chế biến sâu để cho ra hạt gạo đẹp (trắng bóng) đã trực tiếp loại bỏ hết các vi chất dinh dưỡng (nếu có). Gạo SR20 khác biệt rõ với nhóm gạo trắng từ khâu giống, canh tác (hướng hữu cơ), đến chế biến. SR20 được sản xuất từ giống lúa màu, có hàm lượng vi chất dinh dưỡng cao hơn nhiều lần so với gạo trắng, đặc biệt là chất sắt (9,0-9,2 mg/100g so với < 2 mg/100g của gạo trắng thông thường, cao hơn 4,5-5 lần) và có hàm lượng anthocyanine rất cao (378mg/100g), ít được tìm thấy trong gạo trắng. Sự khác nhau giữa gạo SR20 và gạo trắng còn nằm ở khâu chế biến. Chúng ta dễ nhận thấy hạt gạo có màu hồng vì một phần lớp vỏ lụa được giữ lại (đa phần vi chất dinh dưỡng nằm ở bộ phận có sắc tố này). “chế biến tối thiểu” được áp dụng để làm ra gạo SR20, là nghĩa là chỉ gồm công đoạn tách vỏ trấu và xát một phần lớp vỏ lụa, nhằm tạo ra sản phẩm gạo đạt mục tiêu kép, vừa giữ được vi chất dinh dưỡng vừa đảm bảo độ dẻo, độ tơi xốp của cơm nấu.

Cũng theo Tiến sĩ Sô, gạo SR20 có thể được sử dụng để thay thế gạo trắng hiện nay, gạo SR20 được sử dụng hàng ngày như mọi loại gạo trắng thông thường nhưng có ưu điểm vượt trội về độ tơi-xốp và chứa nhiều vi chất dinh dưỡng (chất khoáng, vitamin, chất chống oxy hóa anthocyanin).

Tags:
3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.24827 sec| 805.523 kb