Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 9/3, giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức cao 513-517 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 488 - 492 USD/tấn, Jasmine dao động từ 563 - 567 USD/tấn, gạo 100% tấm có giá 438 USD - 442 USD/tấn.
Các thương nhân ngành lúa gạo cho biết, đây là mức giá cao vượt cả giá gạo cùng loại của Thái Lan. Hiện tại, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang được chào bán với giá từ 510 - 514 USD/tấn; gạo 25% tấm 496-500 USD/tấn. Giá các sản phẩm gạo cùng chủng loại của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar... đều thấp hơn nhiều so với giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu trên 608.768 tấn gạo các loại, kim ngạch đạt 336,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo của Việt Nam 2 tháng đầu năm giảm khoảng 34% về khối lượng nhưng lại tăng 22% giá trị kim ngạch.
“Chưa bao giờ gạo của Việt Nam đạt được mức giá cao như thế này. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện và có giá trị cao khi chào bán”, ông Cường nói.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, các hiệp định thương mại tự do đang mở cánh cửa rộng cho gạo xuất khẩu Việt Nam. Trong những ngày đầu năm 2021, nhiều công ty thuộc hiệp hội đã trúng gói thầu lớn, đặc biệt là với thị trường châu Âu và một số thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, xuất khẩu gạo năm nay của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng về giá trị và vượt các nước đối thủ. Việc duy trì giá cao hơn gạo Thái Lan như năm ngoái là điều khả thi.
“Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được thực thi đã giúp Việt Nam bước một chân vào thị trường châu Âu. Trong bối cảnh, các nước đối thủ đang gặp khó khăn, doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội để chiếm lĩnh thị trường này”, ông Anh nói.
Muốn làm được điều này, theo ông Anh, xuất khẩu gạo của Việt Nam không cần tập trung quá vào loại đặc sản, mà cần tập trung giữ chất lượng ổn định. Bởi mỗi lần cung ứng thất thường sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam. Doanh nghiệp và nông dân cần liên kết chặt chẽ để có vùng nguyên liệu ổn định, đồng thời có sự kiểm soát, chứ không phải gặp chỗ nào, mua chỗ đấy.
Tại thị trường trong nước, ngày 9/3, giá lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn duy trì ở mức cao.
Cụ thể, tại An Giang, lúa tươi IR 50404 giá 7.000 - 7.200 đồng/kg; OM 5451 có giá 7.200 - 7.400 đồng/kg; OM 9577, OM 9582 có giá 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 dao động từ 7.200 - 7.500 đồng/kg; nàng Hoa 9 7.500 - 7.600 đồng/kg; giá nếp vỏ khô 7.600 - 7.900 đồng/kg, lúa tươi OM 6976 giá 7.000 - 7.200 đồng/kg; nếp vỏ tươi có giá 5.800 - 6.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo NL IR 504 dao động 9.450-9.550 đồng/kg; gạo TP IR 504 giá 10.700-10.800 đồng/kg; gạo tấm 1 IR 504 dao động 9.300-9.400 đồng/kg; giá cám vàng giữ ổn định ở mức 7.100 - 7.150 đồng/kg.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đến nay, các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021, ước tính đã được khoảng 1/3 diện tích. Theo đánh giá ban đầu, năng suất lúa vụ Đông Xuân 2020 - 2021 đạt khoảng 6,92 tấn/ha, cao hơn 1 tạ/ha so với vụ trước. Cùng với đó giá lúa cũng ở mức cao, có lợi cho người nông dân.