Làm nông ở phố
Tận dụng diện tích đất nông nghiệp ít ỏi, ông Lê Văn Cần (47 tuổi, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi) đầu tư trồng quất cảnh để kiếm thu nhập. Trải qua 10 năm, mô hình này dần phát triển ổn định, ông Cần thuê thêm đất của người dân xung quanh để lấy chỗ trồng quất, đặt chậu.
Với diện tích đất ít ỏi, ông Lê Văn Cần phải thuê thêm đất của các hộ dân lân cận để trồng quất cảnh
“Trung bình mỗi năm tôi trồng từ 500 - 800 chậu quất. Với số lượng này cũng chật vật về đất đai khi làm nông ở phố, nhưng đổi lại, cây quất cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao”- ông Cần cho hay.
Theo ông Cần, cùng một sào đất, nhưng nếu làm lúa, hoặc trồng bắp, trồng mì thì mỗi năm lợi nhuận chưa đến 10 triệu đồng. Còn trồng quất có thể đạt lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
Thấy cách làm của ông Cần mang lại hiệu quả và có triển vọng, một số hộ trong tổ dân phố 1 cũng tìm tòi, học hỏi để làm theo.
Trong khi đó, tại phường Chánh Lộ, ông Nguyễn Tấn Tín (63 tuổi) lại lựa chọn mô hình trồng hoa, cây cảnh để làm kinh tế. Với diện tích đất chưa tới 500 m2, mỗi năm ông đều đặn thu về hơn nửa tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tấn Tín lựa chọn mô hình trồng hoa, cây cảnh để làm kinh tế
Thoạt đầu, ông Tín chỉ xem đó là một thú vui lúc nông nhàn. Nhưng khi diện tích ruộng nhà ông lần lượt bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa, ông lại xem nghề trồng hoa, cây cảnh là sinh kế chủ lực.
Tận dụng diện tích đất vườn khoảng 250 m2, ông Tín trồng hoa mai cùng các loại cây cảnh khác như me, sung, hoa giấy... Cách đây 5 năm, ông Tín tiếp tục phát triển thêm mô hình trồng hoa giỏ treo. Để làm mô hình này, ông thuê thêm 200 m2 đất vườn nhà hàng xóm và xây nhà lồng trồng hoa.
Vườn hoa giữa lòng thành phố của ông Tín chỉ vài trăm mét vuông, nhưng mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn 15 nghìn giỏ hoa các loại. Các loại hoa như dạ yến thảo, dừa cạn, thu hải đường, mười giờ... được ông Tín trồng và bán quanh năm, với giá bình dân 50 nghìn đồng/giỏ.
Thấy hoa của vườn nhà ông Tín đẹp, phát triển tốt, các nhà vườn ngỏ ý mua hoa giống để trồng vụ Tết. Vậy là 3 năm nay, vào tháng 9 âm lịch hàng năm, ông lại có thêm nghề sản xuất cây hoa giống.
“Thị trường ngày càng mở rộng nên ngoài vợ con cùng làm, tôi phải thuê thêm lao động. Tuy bận rộn nhưng nghề trồng hoa và cây cảnh đã mang lại cho gia đình tôi thu nhập khá cao so với làm ruộng trước đây”- ông Tín chia sẻ.
Nhận định tiềm năng phát triển
Những năm qua, quá trình đô thị hóa ở TP Quảng Ngãi diễn ra mạnh mẽ khiến diện tích đất nông nghiệp tại các phường trung tâm ngày càng thu hẹp.
Cùng với đó, những quy định mới về môi trường khiến nhiều người dân ở các phường trung tâm không duy trì được các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm truyền thống.
Đô thị hóa mạnh mẽ đã làm diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở TP Quảng Ngãi ngày càng bị thu hẹp
Việc chuyển đổi sang lĩnh vực phi nông nghiệp không phải lúc nào cũng khả thi, bởi lẽ có nhiều nông dân đã lớn tuổi, điều kiện sức khỏe và kinh nghiệm không cho phép.
Trước thực tế này, không ít nông dân tại các phường trung tâm đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Phổ biến nhất là nghề sinh vật cảnh với các mô hình trồng hoa, cây cảnh, cá cảnh...
Trong số này, nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế khả quan. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mới chỉ dừng lại ở một số trường hợp điển hình chứ chưa hình thành mô hình nông nghiệp nào quy mô lớn.
Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghĩa Lộ Lê Thiện Đệ cho biết, toàn phường có hơn 400 hội viên nông dân. Song, số hội viên phát triển được các mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao vẫn còn khiêm tốn.
Đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nên các hội viên chủ yếu trồng cây cảnh, phong lan tại nhà, nhưng chỉ dừng lại ở quy mô rất nhỏ lẻ.
“Ngoài mô hình trồng quất cảnh với 7 hộ tham gia, mỗi năm xuất bán ra thị trường hoa Tết khoảng 3.000 - 4.000 chậu, trên địa bàn phường chưa có mô hình nông nghiệp quy mô nào”- ông Đệ nói.
Ngoài trồng quất cảnh, phường Nghĩa Lộ chưa có mô hình nông nghiệp nào có quy mô
Chủ tịch Hội Nông dân TP Quảng Ngãi Bùi Vạn Khoa nhận định, tiềm năng phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố vẫn còn rất lớn. Do đó, cần được khai thác và phát triển để tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, nhất là những nông dân có độ tuổi từ 45 - 60, khó chuyển đổi nghề, khó tìm kiếm được cơ hội việc làm ở các nhà máy, xí nghiệp.
“Định hướng của Hội là hỗ trợ nông dân phát triển, nhân rộng những mô hình trồng hoa, cây cảnh. Bởi đây là các mô hình có thể tận dụng tối đa các không gian ở đô thị, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa mang lại môi trường sống xanh cho người dân đô thị ”- ông Khoa cho hay.