Trong phần trình bày tham luận tại Hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp Công ty CP Phân bón Bình Điền, chiều ngày 6/6, tại TP Hồ Chí Minh, kỹ sư Thủy sản Nguyễn Ngọc Thạnh - Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Mega đã giới thiệu Aquaponics - mô hình tiêu biểu cho NNĐT mà doanh nghiệp này đang áp dụng.
Kỹ sư Thủy sản Nguyễn Ngọc Thạnh - Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Mega trình bày tham luận tại Hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị”
Theo kỹ sư Nguyễn Ngọc Thạnh, Aquaponic là mô hình kết hợp giữa trồng cây thủy canh (hydroponics) và nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS - Recirculating aquaculture systems) theo nguyên lý, chất thải trong quá trình nuôi cá (chât hữu cơ: thức ăn thừa, phân cá…) qua hệ thống vi sinh vật sẽ được chuyển hóa thành các chất vô cơ là dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Đây là mô hình khép kín, tuần hoàn tận dụng lợi ích của rau và cá trên cơ chế cộng sinh hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường.
Vì sao nói Aquaponics là mô hình tiêu biểu, xu hướng cho NNĐT, kỹ sư Nguyễn Ngọc Thạnh giải thích: “Aquaponic là nông nghiệp tuần hoàn không xả thải, không gây ô nhiễm môi trường đặt biệt là môi trường đô thị. Toàn bộ chất thải của nuôi thủy sản là dinh dưỡng và là đầu vào cho việc trồng cây”.
Bên cạnh đó, đây còn là mô hình không thể sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu vì sẽ ảnh đến cá, rau, dẫn đến mất tính ổn định của hệ thống. Vì vậy, rau và cá từ mô hình này đã tự thân đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho gia đình và xã hội.
Ngoài ra, diện tích sản xuất nhỏ 5m2 là có thể triển khai 1 mô hình phù hợp với đô thị đất sản xuất nhỏ. Song năng suât lại cao, cá có thể đạt năng suât 80kg/m3/vụ nuôi, rau có thể đạt 2,5kg/m2/tháng.
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Thạnh giới thiệu mô hình Aquaponic của Công ty Công nghệ sinh học Mega
Đặc biệt, hệ thống Aquaponics không đòi hỏi người giám sát và vận hành có trình độ kỹ thuật cao so với phương pháp nuôi cá tuần hoàn nước và trồng rau thủy canh. Khi vận hành hệ thống, công việc chính cần phải làm chỉ là cho cá ăn, thu hoạch rau, bổ sung nguồn rau mới (cây con) vào. Thời gian vận hành ít hơn nhiều, tận dụng tốt thời gian nhàn rỗi của bà con nông dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì Aquaponics có những khó khăn trong quá trình sản xuất chính là đầu ra: không kết nối được kênh tiêu thụ; người tiêu thụ chưa hiểu được giá trị của sản phẩm được hình thành nên từ công nghệ Aquaponic là công nghệ sản xuất sạch.
“Trước những áp lực này, Công ty Công nghệ sinh học Mega đã chủ động rút ra những kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ Aquaponics. Và sự khác biệt của doanh nghiệp trong nghiên cứu và triển khai công nghệ Aquaponics đó là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai Aquaponic nước mặn: “Aquaponics nước mặn hiện nay, chưa có nhiều đơn vị làm, đặc biệt là những nơi quá xa biển như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội, Cần Thơ… do không chủ động được nguồn nước biển và chưa có loại rau, tảo nào ứng dụng hiệu quả trong môi trường nuôi thủy sản nước mặn và tuần hoàn. Công ty MEGA đã triển khai công nghệ Aquaponics nước mặn và lợ một cách chủ động nhờ ứng dụng được 1 loại rau có thể sống được trong cả nước mặn 40/000. Đồng thời chúng tôi chủ động là nhờ có công thức pha nước biển nhân tạo theo quy mô công nghiệp” - kỹ sư Nguyễn Ngọc Thạnh tự tin.
Mực lá nuôi bằng công nghệ Aquaponics nước mặn được kỹ sư Nguyễn Ngọc Thạnh chọn trưng bày tại Hội thảo
Thời gian nghiên cứu, triển khai ứng dụng Aquaponics nước mặn của công ty MEGA tính tới nay là trên 2 năm và các đối tượng đã nuôi thực nghiệm: ốc hương, cua biển, cá nâu … và đặc biệt đang ươm, nuôi và dưỡng mực lá trong hệ thống Aquaponic.
“Chưa thỏa mãn với những thành công đã có được, tôi đang nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ Aquaponics nước mặn để nuôi và trống mực lá sống để cung cấp cho các nhà hàng, bếp ăn tại TP Hồ Chí Minh” - kỹ sư Nguyễn Ngọc Thạnh kỳ vọng.
Sơ lược về mô hình ươm nuôi mực trong môi trường Aquaponics: Trứng đươc thu mua từ biển miền trung về tại trại Phước Lý trong vòng 24 tiếng sau khi được thợ lặn lấy từ đáy biển; Trứng được đưa vào bể ấp (chạy tuần hoàn), tùy theo trứng non hay già mà có thể nở ngày hoặc kéo dài đến 2 tuần; Trứng sau khi nở sẽ được đưa vào bể ươm chạy tuần hoàn aquaponics và được cho ăn bằng tôm postlarvae (sú hoặc thẻ) hoặc cá con… cho đến khi thu hoạch. |