Chiều ngày 07/9, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Hậu Giang tổ chức tổng kết đợt hai Chương trình “Canh tác lúa thông minh” vụ Hè Thu năm 2021, mô hình do công ty CP Phân bón Bình Điền triển khai. Nông dân sau khi tham gia mô hình sẽ trở thành các “chuyên gia” trên chính mảnh ruộng của mình nhờ biết áp dụng cách làm hay, kinh nghiệm quý, các giải pháp canh tác thông minh cùng nhiều kỹ thuật mới trong canh tác lúa, biết cách ứng phó linh hoạt với điều kiện bất lợi của ngoại cảnh, biết áp dụng công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất giúp giảm chi phí canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa, đảm bảo sản phẩm nông sản làm ra vừa an toàn, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, tăng thu nhập cho nhà nông và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường.
Mô hình canh tác lúa thông minh trên đất phèn tại ĐBSCL đang đem lại hiệu quả cao
Trong đợt tổng kết lần này là các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Hậu Giang, 03 địa phương này có mô hình canh tác lúa thông minh trên nền đất phèn. Nhưng với tính chất đất phèn của từng vùng canh tác khác nhau, đặc trưng là Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên và Bán Đảo Cà Mau, nên bà con được các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn áp dụng các gói kỹ thuật một cách linh hoạt trong canh tác lúa từ chọn giống, làm đất, bón phân, quản lý nước, phòng trị dịch hại… một cách phù hợp nhằm khắc chế điều kiện bất lợi của đất phèn, từ đó giúp canh tác lúa đạt hiệu quả cao.
Ông Trần Văn Nhãn, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cho biết, mô hình của tỉnh này được thực hiện tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến, xã Phú Đức, huyện Tam Nông với giống lúa OM18. Bên cạnh áp dụng sạ thưa và sạ hàng, mô hình cũng đã áp dụng sạ cụm bằng máy với lượng giống gieo sạ bình quân 85kg/ha, giảm 40kg/ha, tương đương giảm 540.000 đồng/ha so với đối chứng; Lượng phân bón nguyên chất giảm 12kg/ha đạm, 18kg/ha kali; Số lần phun thuốc bảo vệ thực vật trong mô hình giảm 1 lần so với đối chứng; Năng suất đạt 6,58 tấn/ha, tăng 230kg/ha và lợi nhuận đạt 21,6 triệu đồng/ha, cao hơn 1,4 triệu đồng/ha so với đối chứng.
Mô hình canh tác lúa thông minh đã giúp cho cây lúa phát triển tốt trên vùng đất phèn
Còn tại An Giang, bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh cho biết, mô hình được thực hiện tại ấp Tân Thạnh, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn với giống lúa OM18 bằng hình thức sạ hàng và máy cấy với lượng giống từ 70-135kg/ha. Lượng giống gieo sạ trong mô hình sạ hàng giảm 25kg/ha; Lượng phân bón nguyên chất giảm 19kg/ha đạm và 12kg/ha lân, năng suất đạt 6,46 tấn/ha, tăng 320kg/ha, lợi nhuận cao hơn đối chứng 3,1 triệu/ha. Trong mô hình áp dụng phương pháp cấy máy giảm 31kg/ha kali; năng suất đạt hơn 7,5tấn/ha, tăng 500kg/ha và lợi nhuận cao hơn 3,9 triệu đồng/ha so với đối chứng.
Tại Hậu Giang, ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh này cho biết, Mô hình được thực hiện tại ấp Thạnh Mỹ B, xã Bình Thành, tỉnh Hậu Giang với giống OM5451 bằng hình thức sạ lan với lượng giống gieo sạ trong mô hình 80kg/ha, giảm 70kg/ha, tương đương giảm 1.050.000 đồng/ha so với đối chứng; Lượng phân bón và năng suất trong mô hình và đối chứng tương đương nhau do nông dân trong mô hình sau khi làm mô hình vụ Đông Xuân thấy được hiệu quả nên đã áp dụng luôn các giải pháp và kỹ thuật canh tác vào mô hình vụ Hè Thu; Số lần phun thuốc BVTV trong mô hình giảm 1 lần, lợi nhuận mô hình đạt 12,1 triệu đồng/ha, cao hơn 1,41 triệu đồng/ha so với đối chứng. Qua kết quả đạt được của 3 tỉnh trong vụ Hè Thu cho thấy với sự linh hoạt của từng vùng, tự tin tưởng của nông dân đã giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận, đây là cơ sở để chương trình tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.
Thăm quan mô hình canh tác lúa thông minh tại ĐBSCL
Theo PGS.TS Mai Thành Phụng, canh tác lúa trên đất phèn, bên cạnh chọn giống lúa thích hợp thì cần phải áp dụng nhiều biện pháp cải tạo đất. Và sử dụng nước ngọt để rửa phèn là biện pháp cải tạo có hiệu quả hơn cả. Ở các vùng đất cao thì bón vôi và bón phân lân nung chảy là biện pháp chiếm ưu thế. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Vì vậy, việc bón lót đầu vụ với các dòng phân bón chuyên dùng có bổ sung canxi, silic là một trong những giải pháp tối ưu giúp rửa phèn, hạn chế tối đa tác hại của phèn lên cây lúa trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển. Giải pháp phân bón thông minh này đã được chứng thực đạt hiệu quả cao trên nhiều chân đất, đặc biệt là đất phèn của vùng ĐBSCL.
Chương trình tổng kết đợt hai cũng được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Cụ thể, ở giai đoạn trước khi gieo sạ, bà con bón lót phân chuyên dùng Đầu Trâu Mặn Phèn, với lượng bón 100 – 160 kg/ha. Thành phần cân đối các dưỡng chất cần thiết cho cây lúa ở giai đoạn mạ, đặc biệt là chứa trung vi lượng như canxi, silic, phân chuyên dùng Mặn Phèn khi bón lót sẽ cho hiệu quả tốt trong việc rửa phèn tạo môi trường đất thuận lợi cho cây lúa, giúp cây thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay. Trong điều kiện sạ thưa, việc bón lót này còn giúp cung cấp một phần dinh dưỡng cho cây lúa hấp thu ở giai đoạn đầu, thúc cây ra lá và đẻ nhánh mạnh, đồng thời giảm được phân bón thúc cho cây.
PGS.TS Mai Thành Phụng cũng khuyến cáo, để vụ hè thu 2020 này đạt năng suất tối đa, quy trình bón phân thông minh cho vụ hè thu, bà con cần lưu ý áp dụng: Giai đoạn 7-10 ngày sau sạ, bón thúc 1, phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 100-150kg/ha; Giai đoạn 18-22 ngày sau sạ, bón thúc 2, phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 120-150 kg/ha; Giai đoạn 38-42 ngày sau sạ, bón thúc 3, phân Đầu Trâu TEA2, lượng bón 80-100 kg/ha.