Thách thức đối với “vua trái cây”
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong thập kỷ qua, diện tích trồng sầu riêng trên cả nước đã tăng gần 6 lần, hiện đạt khoảng 180.000ha, sản lượng ước đạt 1,5 triệu tấn, đưa loại quả này trở thành trái cây chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Bước ngoặt lớn diễn ra vào tháng 7/2022, khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Chỉ sau 2 năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt 3,2 tỷ USD, đưa sầu riêng trở thành một trong những sản phẩm chiến lược trong cơ cấu xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng Việt Nam là Trung Quốc, với thị phần năm 2024 chiếm 97,2%. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi có bất kỳ sự biến động nào từ thị trường Trung Quốc.
Sản lượng sầu riêng năm 2024 ước đạt 1,5 triệu tấn.
Bước sang những tháng đã qua của năm 2025, Việt Nam vẫn là nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc nhưng có sự sụt giảm nghiêm trọng tới 71,3% về lượng và 74% về kim ngạch. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc giảm từ 42,1% (năm 2024) xuống còn 28,2%.
Ngành hàng sầu riêng Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển. Trong những năm gần đây, diện tích trồng và sản lượng sầu riêng tăng trưởng nóng, kéo theo sự mở rộng nhanh chóng quy mô xuất khẩu. Điều này đặt ra áp lực lớn về kiểm soát chất lượng và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt từ thị trường Trung Quốc.
Ông Vũ Phi Hổ, đại diện Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita) cho biết, trong năm đầu tiên xuất khẩu, Sarita đạt sản lượng 6.000 tấn. Tuy nhiên, hành trình xuất khẩu của doanh nghiệp không hề dễ dàng khi chi phí kiểm nghiệm đang trở thành gánh nặng lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, tình trạng nhiều cơ sở đóng gói không được Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động, trong khi phía Trung Quốc chỉ công nhận đơn vị được Tổng cục Hải quan nước này phê duyệt. Điều này dẫn tới sự nhập nhằng thật - giả, ảnh hưởng tới tính minh bạch và công bằng trong hoạt động xuất khẩu.
Sẽ có Thông tư quản lý vùng trồng sầu riêng
Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai một loạt giải pháp như: xây dựng mô hình kiểm soát cadmium trong canh tác; tăng cường quản lý sử dụng vật tư nông nghiệp; rà soát và hoàn thiện quy định về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, phòng thử nghiệm; xử lý cảnh báo vi phạm và khôi phục mã số.
Các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng thường xuyên troa đổi, làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc - thị trường nhập khẩu số 1 của sầu riêng Việt Nam, để tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu; đồng thời, phối hợp với địa phương, doanh nghiệp để giám sát và nâng cao tuân thủ quy định kỹ thuật.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ sớm ban hành thông tư quản lý vùng trồng sầu riêng.
Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Văn bản đặt ra yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt đối với cả vùng trồng và cơ sở đóng gói, từ điều kiện canh tác, ghi chép truy xuất đến kiểm soát an toàn thực phẩm và sinh vật gây hại.
“Thông tư được xem là bước đi cần thiết trong bối cảnh nhiều thị trường ngày càng siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu, buộc nông sản Việt phải nâng chuẩn nếu muốn duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững…” - ông Huỳnh Tấn Đạt bày tỏ quan điểm.
Khuyến nghị về mặt giải pháp, ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục cho các loại trái cây, đặc biệt là sầu riêng, để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Thành lập các Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, Trung tâm kiểm dịch thực vật và cơ sở chiếu xạ để giám sát, kiểm soát dư lượng các hoạt chất.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, bên cạnh tăng trưởng ấn tượng, những hệ lụy từ phát triển nóng, đặc biệt là các dấu hiệu bất ổn trong 4 tháng đầu năm 2025 là đáng lo ngại. Nếu không sớm tái cơ cấu, ngành hàng sầu riêng có nguy cơ đánh mất niềm tin từ khách hàng và làm tổn hại đến uy tín nông sản Việt Nam.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng, việc siết chặt kiểm tra tại các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, cho thấy yêu cầu ngày càng cao về minh bạch và tiêu chuẩn hóa trong chuỗi cung ứng. Chính vì vậy, ngành hàng sầu riêng cần nhanh chóng nâng cao năng lực kiểm nghiệm, kiểm dịch và truy xuất tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đây là khâu then chốt để đảm bảo trái sầu riêng Việt Nam giữ vững được thị phần trong các thị trường trọng điểm.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương, hiệp hội ngành hàng rà soát lại toàn bộ hệ thống sản xuất - xuất khẩu sầu riêng, từ đó thiết lập các chuẩn mực mới hướng tới phát triển bền vững, nâng cao giá trị và giữ vững vị thế cho nông sản Việt trên bản đồ thế giới.
Rà soát, cơ cấu lại toàn ngành sầu riêng Sầu riêng đang là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, nhưng cũng trở thành điểm nóng về quản lý khi diện tích liên tục mở rộng, trong khi nhiều vùng trồng và cơ sở đóng gói không tuân thủ quy định. Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi công điện khẩn, yêu cầu các bộ, ngành và 24 tỉnh, TP siết chặt toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu sầu riêng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức rà soát, cơ cấu lại toàn ngành sầu riêng. Theo đó, các vùng trồng kém hiệu quả cần được thu hẹp, chuyển hướng sang phát triển sản phẩm chất lượng cao, có thể chế biến sâu hoặc bảo quản lâu dài, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu quả tươi, vốn dễ rơi vào cảnh rớt giá khi vào vụ thu hoạch rộ. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện các quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo hướng minh bạch, thống nhất, phù hợp thông lệ quốc tế. Hướng dẫn sản xuất bền vững sẽ được ban hành trong quý III/2025, với trọng tâm là an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và áp dụng công nghệ số toàn chuỗi. Bộ cũng được giao làm việc trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) để thống nhất quy trình kiểm tra, thông quan sầu riêng Việt Nam, đồng thời thúc đẩy đàm phán mở cửa thêm các thị trường mới. Cơ sở kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu được yêu cầu bố trí đủ nhân lực, thiết bị để xử lý kịp thời trong giai đoạn cao điểm thu hoạch. Công điện cũng đặt trọng tâm vào việc giám sát và xử lý gian lận mã số vùng trồng, yếu tố từng khiến nhiều lô hàng bị trả về hoặc đình chỉ xuất khẩu. Bộ Công an được giao điều tra và xử lý nghiêm các hành vi làm giả hồ sơ, gian lận mã số, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín hàng Việt. Các địa phương trồng sầu riêng được yêu cầu kiểm soát chặt diện tích trồng mới, không để xảy ra tình trạng trồng tự phát trên đất dốc hoặc khu vực không đáp ứng điều kiện canh tác bền vững. Hệ thống giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được tổ chức chặt chẽ, định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc tuân thủ quy định của Việt Nam và yêu cầu nước nhập khẩu. |